Đã hàng chục năm nay, trừ những lúc bận rộn mùa màng, hầu như ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, từ lúc 4 giờ sáng Chị Phan Thị Hương và chị Phan Thị Hường ở xóm Tân Sơn, xã Kỳ Tân huyện Tân Kỳ đã thức dậy để chuẩn bị vào rừng cắt lá chuối. Dụng cụ mỗi người mang theo khá đơn giản gồm một bao tải to và 1 con dao sắc. Địa điểm mà hôm nay mọi người tìm đến là rừng khe Đền thuộc xã Kỳ Tân. Do địa hình phức tạp không đi được xe gắn máy vào tận nơi nên các chị thường để xe lại dưới chân núi và đi bộ khá xa, phải mất gần gần 2 tiếng đồng hồ vượt qua nhiều quả đồi cheo leo hiểm trở, qua nhiều khe suối và đá núi trơn trượt, đầy muỗi, sên vắt, đường đi chỉ là những lối mòn không rõ, dây leo chằng chịt, đi đến đâu phát dọn đường đến đó.

Tâm sự với chúng tôi Chị Phan Thị Hương - Xóm Tân Sơn, xã Kỳ Tân huyện Tân Kỳ “ Để nuôi các con khôn lớn, ăn học chúng tôi đã đi từ rừng này qua rừng khác để lấy lá chuối, có những hôm lá chuối ở rừng đã lấy hết thì chúng tôi phải lên tận các rừng ở xã Tân Hợp, Nghĩa Bình để lấy
Để cắt được những tàu lá chuối đạt tiêu chuẩn, tán rộng, màu xanh tươi, không bị rách thì người làm nghề phải chú ý quan sát từng cây rồi cẩn thận, khéo léo chặt hạ thân cây và rút tàu lá sao cho không bị rách. Sau khi rọc bỏ sống giữa, lá chuối được xếp gọn gàng từng bó cho vào bao tải để lá luôn tươi. Thường thì mỗi cây cắt được từ 3 đến 4 tàu lá, chu kỳ khoảng 15 - 20 ngày lại cắt một lần.
Cơ duyên Chị Phan Thị Hường - Xóm Tân Sơn, xã Kỳ Tân huyện Tân Kỳ đến với nghề, vào sau những năm 2000 kinh tế lúc bấy giờ khó khăn, chị thường vào rừng lấy giang, nứa về bán kiếm lời. Trong một lần tình cờ mang lá chuối về bán thử cho người quen, sau rồi thấy công việc hái lá chuối rừng mà thu nhập cũng khá, nên từ đó gia đình chị chuyển hẳn sang nghề hái lá chuối rừng.
Việc hái lá chuối ở những cánh rừng sâu, xa, cần có sức khỏe bền bỉ, kinh nghiệm và sự khéo léo nên đa phần là người lớn, thanh niên mới đảm nhận được. Không chỉ gian nan lúc lên rừng cắt lá mà việc vận chuyển những bao tải lá nặng ra khỏi rừng là công đoạn nặng nhọc, mất nhiều sức lực nhất nhưng vì cuộc sống và tương lai các con mà họ đã chịu khó, chịu khổ, kiên trì bám trụ với nghề. Một lần đi rừng, bình quân mỗi người hái được từ 35 đến 45kg lá, mỗi kg bán ra 8 ngàn đồng, đem về mức thu nhập 300 – 350 nghìn đồng/ngày.

Sau khi cắt lá và vận chuyển từ rừng về, lá chuối được tập kết, đem đi tiêu thụ tại Thị trấn Tân Kỳ và các huyện lân cận như Anh Sơn, Đô Lương, phục vụ các cơ cở sản xuất bánh chưng, bánh gói, bánh gai, giò, chả và dùng để gói nhiều loại thực phẩm khác. Những lá chuối rừng tự nhiên là lá sạch, không có phấn, ít rách và không bị chát nên sử dụng gói thực phẩm vừa sạch, vừa an toàn. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở sản xuất giò, chả ở Tân Kỳ chỉ dùng duy nhất loại lá chuối rừng để bọc vì khi luộc, hấp sẽ tăng thêm độ thơm ngon cho thực phẩm.
Còn Chị Trần Thị Thương – Cơ sở sản xuất Dò chả Kiên Thương - Thị trấn Tân Kỳ cho biết thêm “Nhà chị sản xuất dò, chả, hàng ngày đều sử dụng lá chuối rừng để gói, vừa đảm bảo vệ sinh và màu sắc đẹp mắt”.
Hấp thu nắng gió của đại ngàn hùng vĩ, những lá chuối xanh ngát đã theo chân người xuống núi và đi khắp mọi nơi mang theo hương vị tự nhiên, sạch lành đến với mọi nhà như một sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Thực hiện clip này, chúng tôi cũng đã có những trải nghiệm thú vị để biết thêm : Có một nghề như thế ./.
Bông Mai – Thanh Nhàn
Trung tâm VHTT&TT Tân Kỳ