ĐĂNG NHẬP  
image banner
Huyện Tân Kỳ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, huyện Tân Kỳ được bao bọc bởi dãy núi Pù Loi, Pù À và dãy Bồ Bồ hùng vĩ, lại có Lèn Rỏi, Lèn Voi, sông Con, vực Rồng và hệ thống hang động Thung Khiển tạo nên một vị thế phòng thủ kín đáo, vững chắc. Với vị trí địa lý ấy, Tân Kỳ đã trở thành địa bàn chiến lược quan trọng – là vùng đất đã 3 lần được chọn làm hậu cứ trong những thời điểm khó khăn nhất của các thời kỳ lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Tân Kỳ còn là nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em kinh, Thái, Thổ với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, di tích lịch sử văn hoá, di tích lịch sử cách mạng… tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách muôn phương đến Tân Kỳ tham quan, trải nghiệm hay tìm hiểu về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Tân Kỳ luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, đã được chú trọng triển khai và từng bước lan tỏa vào đời sống nhân dân, tạo động lực tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Đời sống văn hóa nhân dân được nâng lên rõ rệt; Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi; các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc đang được giữ gìn, bảo tồn và phát triển.

Anh-tin-bai

Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc của người thái ở xã Tiên Kỳ

Bên cạnh đó, huyện Tân Kỳ cũng tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí để nâng tầm các di tích, điểm văn hóa, nét văn hóa gắn với phát triển du lịch như hang Mó ở xã Tiên Kỳ, thác Bồn ở xã Tân Hợp, Lhội Bươn Xao gắn với làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái ở xã Tiên Kỳ; làng nghề đan võng gai của đồng bào Thổ ở xóm Long Thọ, xã Giai Xuân; Lễ hội Đình Làng Dụng gắn với các tín ngưỡng thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số như múa cồng chiêng, hát dạ ời, các làn điệu đu đu điềng, tập tình tập tang)... Đồng thời có chủ trương cải tạo, nâng cấp một số hạng mục, bổ sung các hiện vật trưng bày trong nhà và trưng bày ngoài trời tại điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh.

Tại các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các bản làng người Thái vẫn lưu giữ được vẹn nguyên những bản sắc văn hoá truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan, sản xuất rượu men lá, lưu giữ những ngôi nhà sàn cổ…

Anh-tin-bai

Xã Tiên Kỳ có 02 bản được chọn làm mô hình du lịch cộng đồng

Xác định phát triển du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, tháng 10/2017 BTV Huyện ủy Tân Kỳ ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đồng gắn với làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đến thời điểm này, toàn huyện có 02 bản được lựa chọn làm du lịch cộng đồng, xây dựng 03 mô hình du lịch Homstay tại Bản Chiềng và Bản Phẩy – Thái Minh xã Tiên Kỳ, trong đó, đặc biệt chú trọng bảo tồn các nhà sàn trong hệ thống quy hoạch làm Homestay, phát huy các dịch vụ ẩm thực (các món ăn truyền thống của đồng bào Thái); Lưu trú (dịch vụ ngủ nghỉ nhà sàn qua đêm); các sản phẩm dệt thổ cẩm; đan lát; giao lưu văn hoá văn nghệ như nhảy sạp, uống rượu cần... và đã trở thành những sản phẩm đặc trưng, có tính bền vững, kết hợp hài hoà yếu tố bản sắc văn hoá truyền thống với yếu tố du lịch được đầu tư, sáng tạo về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu và làm hài lòng du khách. Các bản du lịch cộng đồng đi vào hoạt động đã góp phần giúp người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Từ khi thành lập đến nay du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ đã đón tiếp được hơn 18.000 lượt khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Thái.

Cùng với đó, địa phương đã phục dựng lễ hội Bươn Xao truyền thống gắn với những di tích về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống giặc Minh ở thế kỷ XV cũng như duy trì và phát triển làng nghề dệt Thổ cẩm tại Bản Phẩy Thái Minh.

Anh-tin-bai

Các món ăn mạng đậm bản sắc dân tộc được đông đảo du khách yêu thích

Năm 2023, huyện Tân Kỳ phối hợp triển khai Dự án Mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù của dân tộc Thái, bảo vệ và phát huy văn hóa phi vật thể dân tộc Thái tại xã Tiên Kỳ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2030. Đây là cơ sở để huyện Tân Kỳ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời gian tới.

Anh-tin-bai

Trang phục của người phụ nữ thái khi đi lễ hội luôn kèm theo chiếc khăn Piêu cầm tay

Song song với đó, huyện cũng đã quan tâm chú trọng việc tiếp tục duy trì và thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca, dân vũ của đồng bào Thái, đồng bào Thổ, Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ dân ca Thái, Thổ góp phần phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, mang đậm đà bản sắc với các hoạt động của câu lạc bộ như sáng tác các bài dân ca Thái, khắp, lăm, nhuôn và đánh cồng chiêng, một số câu lạc bộ còn phát huy hiệu quả gắn với việc biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng...

Thời gian qua, Tân Kỳ là một trong những địa phương ngày càng thu hút được nhiều du khách gần xa từ chính truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch của địa phương, thời gian tới, huyện Tân Kỳ tiếp tục ban hành các nghị quyết tạo cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các điểm du lịch của địa phương; duy trì và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan võng gai… vừa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng có của Tân Kỳ, là cơ sở để phát triển bền vững du lịch, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng huyện Tân Kỳ trở thành vùng quê năng động, đổi mới, là huyện phát triển khá của khu vực miền Tây Nghệ An ./.

Nguyễn Văn Thực

 PCT UBND huyện Tân Kỳ

 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN KỲ
 
image

Tin tức
  • Vẻ đẹp thiên nhiên của thác bồn Tân Hợp
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement