Không biết nghề đan võng gai có từ bao giờ, nhưng đối với đồng bào dân tộc Thổ tại xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ thì nghề này đã trở thành một nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hiện nay, những người phụ nữ tại xóm Long Thọ xã Giai Xuân vẫn duy trì công việc trồng cây gai, tước sợi, đan võng, bởi mỗi người phụ nữ dân tộc Thổ lớn lên đều được mẹ dạy cho nghề đan võng truyền thống. Năm 2015 Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ thành lập câu lạc bộ “Đan võng gai truyền thống” với mong muốn duy trì và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút được 34 hội viên tham gia với đủ mọi lứa tuổi. Nghề đan võng gai cũng là nghề để các chị em tranh thủ những lúc nông nhàn hoặc những khi trời mưa gió các chị em phụ nữ lại quây quần bên nhau cùng nhau trò chuyện, cùng sẻ chia kinh nghiệm trong cuộc sống, cùng nhau đan võng gai.
Trao đổi với chúng tôi Bà Trương Thị Thống – Chủ nhiệm CLB đan võng gai truyền thống xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ “Cái võng gai nằm nó rất mát và êm cho nên dân tộc ở đây cứ lưu truyền mãi mãi, người dân tộc ở đây khi sống cũng có võng mà khi chết cũng phải có võng cho ông bà. Hiện nay chúng tôi cũng đang dạy cho các cháu trẻ đan và rất muốn các cháu thấy được nét đẹp của dân tộc mình và lưu truyền cho đời sau”
Võng gai được đan theo kỹ thuật riêng biệt và hoàn toàn bằng thủ công. Quy trình đan võng này thật công phu, đòi hỏi người đan không những khéo léo mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Phải mất khoảng gần hai tháng, một người đan mới có thể hoàn thành một chiếc võng, khi đan đúng cách thì có độ bền tới 10 năm. Chiếc võng được làm ra từ cây gai đã nói lên sự cần cù, sáng tạo của người Thổ và nó còn mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, như một nét đặc trưng văn hóa của người Thổ nơi đây.
Bà Trương Thị Thanh Xóm Long Thọ xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ cho biết“Lớn lên thấy mẹ thường đan rồi mình học nghề và đan dần rồi quen, nghề này thì phải thích mình mới làm được, đan võng gai để cho con cháu nằm và nhớ đến ông bà”.
Sở dĩ được gọi là võng gai, bởi vì nguyên liệu dùng để đan võng là cây gai. Trước đây cây gai mọc hoang chỉ việc vào rừng để lấy, nhưng ngày nay các gia đình đều dành một diện tích đất vườn để trồng cho thuận tiện. Với đặc tính sợi gai mềm và dai đã được các mẹ, các chị vừa đan vừa xoắn sao cho săn chắc, hai đầu võng và phần tang hai mép võng được bện cầu kỳ, đặc biệt các vết nối được dấu một cách khéo léo tạo nên độ phẳng và êm, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng, trung bình mỗi chiếc võng gai có giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Sản phẩm võng gai của chị em nơi đây được khách hàng trong và ngoài huyện rất ưa chuộng.
Nhận xét về các mô hình của chị em phụ nữ Bà Nguyễn Thị Anh Trâm – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tân Kỳ cho biết thêm: “Đến thời điểm này tôi thấy các mô hình của chị em phụ nữ trên địa bàn hoạt động rất hiệu quả như mô hình trồng dâu nuôi tằm, mô hình đan võng gai truyền thống…trong thời gian tới sẽ tiếp tục khảo sát các đơn vị lân cận để nhân rộng các mô hình trên địa bàn”.
Đối với mỗi người dân chúng ta chiếc võng dường như gắn liền với ký ức về tuổi thơ khó phai mờ đó là ký ức về câu ca dao của bà, lời ru của mẹ trên chiếc võng đu đua. Còn với bà con dân tộc Thổ ở xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ nghề đan võng còn là một nghề truyền thống được tận dụng nguyên liệu từ thiên nhiên./.
Bông Mai
Trung tâm VHTT&TT TÂN KỲ.