Tân Hợp là xã miền núi vùng cao nằm ở phía Tây huyện Tân Kỳ. Với tổng diện tích tự nhiên là 6.759,3 ha, địa hình phức tạp: Phía Bắc giáp xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp); phía Nam giáp xã Đồng Văn và một phần xã Nghĩa Phúc; phía Đông giáp xã Giai Xuân; phía Tây giáp xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp). Toàn xã có 5 xóm; 1061 hộ; 4.434 nhân khẩu. Có 4 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn đó là: Thổ, Kinh, Thái, Chăm. Trong đó chủ yếu là dân tộc Thổ (Thổ cuối) chiếm gần 90%. Là một xã nằm trên địa bàn cao nhất của huyện Tân Kỳ có chiều dài toàn xã là 13km, chiều rộng 7 km, lại gần như biệt lập với các xã khác xung quanh nên khoảng những năm 1990 trở về trước, Tân Hợp gần như hoàn toàn là rừng núi, với nhiều núi đá vôi, nhiều đèo dốc hiểm trở…Tân Hợp ngăn cách với các xã xung quanh bởi các dãy núi đá cao.
Trước Cách mạng tháng 8/1945 Tân Hợp nằm trong tổng Hạ Sưu, huyện Nghĩa Đàn. Đến ngày 5/8/1947, xã Tân Hợp chính thức được thành lập gồm 2 xã Oai Lộ và Đồng Văn Thượng nhập lại. Từ năm 1947 đến 1963 Tân Hợp thuộc huyện Nghĩa Đàn.
Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 52-QĐ/CP phê chuẩn việc chia lại địa giới các huyện Quỳ Châu, Anh Sơn, Nghĩa Đàn thành 7 huyện mới, trong đó có huyện Tân Kỳ. Xã Tân Hợp lúc này thuộc huyện Tân Kỳ.
Nét đẹp bản sắc văn hóa xã Tân Hợp
Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, để đấu tranh sinh tồn và ổn định cuộc sống, các thế hệ nhân dân vùng đất Tân Hợp đã chung lưng đấu cật khai phá rừng rậm để mở mang đồng ruộng, nương rẫy… Đối với Tân Hợp nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính. Trước Cách mạng tháng 8/1945 người dân (đồng bào Thổ) ở đây trồng lúa nương là chủ yếu, có kết hợp một phần với cây lúa nước. Ngày nay, do năng suất thấp cùng với việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng của nhà nước, đồng bào Thổ Tân Hợp không trồng lúa nương nữa. Tuy nhiên, nhân dân vẫn làm nương “thâm canh” trên các vùng đất và canh tác chủ yếu trồng ngô, đậu, lạc, sắn, mía… và người dân đã biết áp dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, Tân Hợp còn có các nghề thủ công truyền thống như: trồng gai và sản xuất các đồ dùng bằng sợi gai (lưới gai, túi gai, võng gai…), nghề làm men lá và nấu rượu men lá… để bán hoặc đổi lấy các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống.
Phong cảnh thiên nhiên xã Tân Hợp
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta thông qua các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số và bằng các chương trình dự án hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, phúc lợi cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao.
Tân Hợp có 2 trường 3 cấp học (Mầm Non, Tiểu Học và THCS), 1/2 trường đạt trường chuẩn Quốc gia. Có 1 trạm y tế, Xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Phát huy truyền thống quê hương, kế thừa những kết quả đã đạt được Đảng bộ và nhân dân Tân Hợp vận dụng mọi nguồn lực, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu với mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo được nhiều ngành nghề mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững thương mại dịch vụ, giải quyết tốt các vấn đề lao động và việc làm, nâng cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN một cách bền vững.
Trung tâm chợ xã Tân Hợp
Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, tăng cường quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả góp phần đưa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Về phong trào VHVN – TDTT và du lịch:
Tân Hợp là xã có phong trào VHVN - TDTT khá phát triển và luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Thổ, văn hóa của dân tộc Thổ (Thổ cuối) rất phong phú và đa dạng, các ngày lễ tết đều tổ chức được hoạt động VHVN dân gian, trò chơi dân gian của dân tộc mình và luôn tham gia đầy đủ các chương trình VHVN-TDTT do cấp trên phát động và đạt nhiều thành tích cao hàng năm. Quốc phòng – Anh ninh luôn được giữ vũng, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Phong cảnh Thác Bồn (ở xóm Hồng Sơn)
Tân Hợp có các danh thắng đẹp và khá nổi tiếng như: Thác Bồn (ở xóm Hồng Sơn), hang Thung Khiển (xóm Nghĩa Thành)… hàng năm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài huyện đến thăm quan. Trong tương lai hứa hẹn đây sẽ là các điểm du lịch nổi tiếng và hướng phát triển ngành nghề du lịch cho xã Tân Hợp.
Các tiềm năng phát triển của địa phương: Tập trung thu hút đầu tư , huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, VH-XH và du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ phấn đấu đơn vị Tân Hợp thoát khỏi xã nghèo phấn đấu xã đạt trung bình khá của huyện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025./.
|