ĐĂNG NHẬP  
image banner
Di tích người việt cổ trên đất Tân Kỳ

Tuy mới chính thức có tên trên bản đồ Tổ quốc gần 60 năm nhưng những hiện vật thuộc Di chỉ văn hóa Hòa bình trên đất Tân Kỳ vào thời đại đồ đá giữa tại Hang Đình Lèn Rỏi đã chứng minh rằng từ buổi bình minh của lịch sử, tại Tân Kỳ đã có con người sinh sống. Mời quí vị và các bạn cùng tìm hiểu nội dung này qua bài viết của tác giả NT.

  Một ngày đầu mùa thu, chúng tôi đến thăm hang Đình ở sườn núi cách chân lèn Rỏi gần 100m, len lỏi giữa rừng cây rậm rạp chừng mươi phút, cửa hang bất ngờ hiện ra khiến ai nấy đều thực sự ngỡ ngàng trước vẻ nguyên sơ kỳ thú của quần thể hang động nơi này. Quả thật, thời gian như những nhà điêu khắc tài ba, qua hàng triệu năm miệt mài chế tác đã dâng tặng cho đời những tác phẩm quý giá. Lộng lẫy kiêu sa là những khối nhũ muôn màu sắc, những vòm hang cao vút, uy nghi với các bức rèm, ô cửa…được làm bằng nhũ đá buông xụống lửng lơ như mời gọi, như níu chân du khách. Không dụng cụ, không chất phụ gia, không bàn tay con người, chỉ có đất, đá và nước nhưng thiên nhiên cũng đã tạo cho mình một khung cảnh thật nên thơ, nào chim trời, bụt mọc, đền đài, giếng nước... cho đến những bầu sữa đá tinh khiết với thiên chức duy trì sự sống vĩnh hằng trong vũ trụ bao la.

Anh-tin-bai

Cửa hang đình Lèn Rỏi đã chứng minh rằng từ buổi bình minh của lịch sử loại người

Theo cố giáo sư Ninh Viết Giao, đợt khảo sát từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 1 năm 1972 của Viện khảo cổ học đã tìm thấy 9 cái rìu, 19 công cụ chặt thô, 29 công cụ dùng để nạo, 8 công cụ chặt, 8 chày nghiền, 2 hòn nghiền, 1 dao đá... tất cả đều bằng đá, có cái chưa hoàn chỉnh, công cụ còn là những hòn đá tự nhiên, hình dạng giống như rìu hoặc dao chặt, có cái có vết ghè nhưng mới ghè qua loa một mặt để tạo thành công cụ chặt, có cái ghè ở xung quanh rìa,có cái ghè chính xác, tinh vi định hình những công cụ hình đĩa, hình bầu dục, hình mu rùa... biểu hiện một giai đoạn phát triển của văn hóa Hòa Bình như các công cụ chặt, nạo, nghiền, hai đầu đã có vết sử dụng. Qua nhóm công cụ này và căn cứ vào chiều dày của tầng văn hóa, cho thấy người nguyên thủy ở giai đoạn đồ đá giữa đã cư trú nơi đây tương đối lâu dài, công cụ đó gồm nhiều loại hình, điều đó phản ánh xu hướng phân hóa chức năng lao động và chuyên môn hóa lao động của kỹ thuật nguyên thủy.

Anh-tin-bai

Lòng hàng nơi các nhà khảo cổ học phát hiện những công cụ bằng đá của người Việt cổ

Lèn Rỏi chạy dài theo sông Con, gần như từ đầu đến cuối huyện Tân Kỳ, trong đó không chỉ có một hang Đình mà còn có hàng chục hang động, có những hang rộng hàng trăm người ở được, có hang dăm ba chục người ở được... hang động bên cạnh sông suối trong một khu rừng rậm rạp đầy cây cối và cầm thú, điều đó có thể nghĩ rằng, tại một vùng lãnh thổ nhất định này, ở thời đại đồ đá giữa, có nhiều tập đoàn công xã sinh sống và họ đã liên kết với nhau thành bộ lạc. Bộ lạc này sống trong hang, nhưng có lúc sống ở ngoài trời bên bờ sông bờ suối. Họ đã biết dựng những túp lều đơn giản. Chủ nhân nền văn hóa hòa bình trên đất Tân Kỳ rõ ràng sống trong rừng rậm nhiệt đới, phương thức sinh sống của họ chủ yếu là hái lượm, thu lượm những sản phẩm của rừng như rễ, củ, hoa quả dại, mật ong, trứng chim... thu lượm những sản phẩm của sông suối như trai, ốc, cá, tôm...

Anh-tin-bai

Trên tầng cao cửa hang đọng lại dòng nước mát tinh khiết từ nhũ đá nhỏ xuống

bên cạnh hái lượm, săn bắn cũng phát triển, họ đã săn bắt được những loài thú nhỏ như nhím, cầy, chồn, và cả những loài thú lớn như lợn rừng, mang, hoẵng, Sơn dương. Người nguyên thủy chung sống với nhau trong hang Đình , tại đây họ cùng nhau sưởi ấm bên ngọn lửa hồng, cùng lao động chung để kiếm thức ăn. Như vậy hang Đình là một trong những di chỉ làm phong phú và rực rỡ văn hóa Hòa bình, một khâu phát triển của nhân loại. Nói cách khác, cách đây trên dưới một vạn năm, tại Tân Kỳ đã có người sinh sống. Những người này làm chủ toàn bộ vùng lèn Rỏi, bước đầu chế ngự thiên nhiên và trải qua cuộc vật lộn hiểm nghèo với mãnh thú, hang động là nơi cư trú. Họ lao động trong điều kiện vô cùng thiếu thốn và vất vả để tạo ra nền văn hóa đá cuội.     

 Chị Phạm Thu Hằng, cán bộ phụ trách Bảo tàng khu di tích Km số 0 đường Hồ Chí Minh cho biết : Khi phát hiện 76 công cụ chặt ghè bằng đá tại hang Đình cũng là thời kỳ Mỹ đánh bom ác liệt ở vùng đất Tân Kỳ khiến cho việc bảo tồn, gìn giữ các hiện vật gặp nhiều khó khăn, do vậy các hiện vật bị thất lạc hoàn toàn, đây là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên nhận thấy được giá trị lịch sử đặc biệt của di chỉ lèn Rỏi, những năm qua, việc gìn giữ, bảo vệ hang Đình luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Kỳ Tân huyện Tân Kỳ thực hiện tốt, kết cấu của hang gần như được giữ nguyên vẹn, có những người cao tuổi ở xóm Diễn Nam tự nguyện trông coi và thực hiện các nghi lễ tâm linh vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.

Anh-tin-bai

Vòm hang có nhiều nhũ đá rất đẹp

 Tương truyền ngày xưa, thấy phong cảnh núi non hùng vỹ, 100 con chim phượng hoàng tìm đến đậu, nhưng dãy núi này chỉ có 99 ngọn nên đàn chim đành bay đi, dù Phượng Hoàng không ở lại nhưng đây vẫn là vùng đất lành để hàng trăm năm sau đó, Tân Kỳ lại là nơi hội tụ của nhiều người con từ khắp mọi vùng miền của tổ quốc cùng về đây sinh cơ lập nghiệp . Cố Giáo sư Ninh viết Giao đã tinh tế khi cảm nhận về vùng quê này “ Từ trong lòng núi đá câm lặng, trong lòng đất sâu thẳm, trong các khu rừng âm u, trên các đường mòn bản vắng, chỗ nào cũng đang còn thầm thì về kỳ tích lao động và sáng tạo, chiến đấu và xây dựng, bảo vệ của cha ông trong những ngày khai thiên lập địa, trong những ngày chống giặc cứu nước, làm nên bản làng, làm nên cuộc sống. Đâu đâu cũng vọng lên giá trị tinh thần trí tuệ, năng lực và ý chí bất khuất của tiền nhân ”  

Thời gian trôi qua với bao thăng trầm của lịch sử nhưng Lèn Rỏi vẫn đứng đó trầm mặc, uy nghi, như một gạch nối của quá khứ và hiện tại để các thế hệ sau luôn tự hào về vùng đất mang dấu tích của người Việt cổ, nơi họ đã kiên cường chế ngự thiên nhiên để làm nên cuộc sống, là cội nguồn của sự phát triển, là giá trị tinh thần to lớn để những người con trên quê hương Tân Kỳ kế thừa, tiếp bước dựng xây quê hương ngày càng đổi mới, văn minh và giàu đẹp./.

Nguyễn Thương

Trung tâm VH,TT&TT huyện

 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN KỲ
 
image

Tin tức
  • Vẻ đẹp thiên nhiên của thác bồn Tân Hợp
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement