Lợi ích từ phương pháp mới sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại Tân Kỳ
Phân bón là nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Từ xa xưa, người nông dân đã biết sử dụng phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng. Đặc biệt thời gian gần đây với sự hỗ trợ của Hội nông dân tỉnh Nghệ An, bà con huyện Tân Kỳ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, từ đó giảm được chi phí sản xuất, giúp cây trồng phát triển cân đối, tăng năng suất, sản lượng.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Phượng ở xóm Xuân Lý xã Tân Phú có diện tích trồng cam 2 ha. Những năm qua, để giảm chi phí sản xuất, gia đình anh đã tự làm phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, lá mía, phân chuồng… để bón cho cây trồng. Năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ 5 triệu đồng để xây bể ủ phân bằng bê tông kiên cố và 2,5 triệu đồng mua máy thổi khí vào hệ thống ống thông khí ASP nên nâng cao hiệu quả rõ rệt trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh so với ủ phân theo phương pháp truyền thống bấy lâu nay. Nhờ đó mà trong năm nay gia đình Anh ủ được 60 tấn phân hữu cơ, chủ yếu bón cho cây cam. Hiện nay diện tích cam cho quả sớm đã thu hoạch xong, gia đình anh tiếp tục chăm sóc, bón phân.
Người dân bón phân đúng quy trình
Anh Nguyễn Tấn Phượng cho biết thêm: “ Ủ phân thủ công giữa đất bằng bạt tủ, quá trình hoai bón cho cây cũng tốt nhưng không hiệu quả bằng như vừa rồi Hội nông dân tỉnh, huyện hỗ trợ máy thổi khí này thì tính độ hoai mục của phân đều hơn, chất lượng hơn thời gian rút ngắn chỉ 1/3 so với ủ thủ công, nghĩa là ủ thủ công 3 tháng mới đảm bảo bón được thì nay chỉ hơn 1 tháng là phân đã hoai mục bón được cho cây trồng. Như thế độ quay vòng của bà con nhanh hơn, ủ được nhiều phân trong năm. Nhất là mọi khi phải đảo phân liên tục thì nay không cần đảo nên giảm được nhiều công lao động”.
Liền kề với vườn cam của gia đình anh Phượng là vườn cam của gia đình Chị Phan Thị Nghĩa ở xóm Xuân Lý. Nhờ chủ động làm được phân hữu cơ vi sinh bón cho cây cam nên hàng năm gia đình đã giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện gia đình chị là một trong số 25 hộ dân nơi đây, sản phẩm cam được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020.
Người dân bón phân đúng quy trình
Chị Phan Thị Nghĩa vui mừng chia sẽ:“ Gia đình tôi ủ phân hữu cơ vi sinh, chủ yếu bón cho cây cam và cây cao su. Bởi bón phân này giữ được độ ẩm trong đất, đất ít bị bạc màu và sản phẩm an toàn hơn bón phân hóa học. Hiệu quả là cây cam phát triển chắc khỏe, lá xanh mướt, sai quả, quả đẹp và ăn ngọt, dòn”.
Hiện nay, xã Tân Phú là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất huyện Tân Kỳ, trong đó cây cam chiếm ưu thế. Các phụ phẩm nông nghiệp được người dân thu gom lại và sử dụng chế phẩm Composts để ủ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Tuy nhiên do ủ phân bằng phương pháp thủ công nên lượng phân làm ra chất lượng đạt hiệu quả không cao, mất nhiều công lao động và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Trước thực tế đó, năm 2021, Hội nông dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội nông dân huyện Tân Kỳ xây dựng mô hình điểm thực hiện dự án “ Hội nông dân thu gom, xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Tân Phú. Mô hình có 10 hộ nông dân tham gia được hỗ trợ xây dựng bể ủ, sử dụng hệ thống thông khí bằng máy thổi khí để nâng cao chất lượng làm phân bón hữu cơ vi sinh. Bà con còn được cán bộ của Sở khoa học công nghệ Nghệ An hướng dẫn kỹ thuật xứ lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm Compost maker, cách xây dựng bể chứa, lắp ráp hệ thống thông hơi; kỹ thuật ủ và thời gian bón phân cho cây trồng. Riêng năm 2021, trên địa bàn xã Tân Phú có 63 hộ dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh với khối lượng sản xuất đạt hơn 800 tấn, chủ yếu bón cho cây cam, cây bưởi và cây mía.
Theo ông Trần Thanh Long- Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Phú huyện Tân Kỳ. “ Đây là nét mới, mới là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo phản ánh của 10 hộ tham gia mô hình rất hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vừa chất lượng phân bón được nâng lên. Chúng tôi mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm hỗ trợ và tập huấn để nhân rộng mô hình”.
Người dân bón phân đúng quy trình
Sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng công nghệ hệ thống ống thông khí ASP, gọi là phương pháp ủ hiếu khí ASP. Công nghệ này được áp dụng cho hầu hết các loại chất thải hữu cơ với việc thồi khí cưỡng bức qua các ồng nhựa đục lỗ bằng máy thổi khí để đảm bảo toàn khối ủ được giữ trong môi trường hiếu khí. Khi có oxy, các vi sinh vật có sẵn trong đống ủ sẽ phân hủy các chất hữu cơ, nhiệt độ tặng trong quá trình này đủ làm chết các vi khuẩn có hại và khử mùi hôi hiệu quả. Nhiệt độ cao của đống ủ cũng tiêu diệt ấu trùng của ruồi và hạt cỏ. Do được ủ trong bể xi măng nên lượng phân ủ đảm bảo, không bị thất thoát ra ngoài, không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày bà con chỉ mở máy thổi khí hoạt động trong thời gian 15 đến 20 phút. Với phương pháp này đã rút ngắn thời gian ủ xuống còn từ 30 đến 40 ngày so với ủ bằng các phương pháp ủ truyền thống. Phân thành phẩm đảm bảo dinh dưỡng tốt và giảm nhiều ngày công lao động do ko phải xới đảo phân trong thời gian ủ phân. Năm 2021, bà con trên địa bàn huyện Tân Kỳ ủ được hơn 2000 tấn phân hữu cơ vi sinh.
Quy trình bón phân hữu cơ làm cho cây trồng có năng suất cao
Ông Nguyễn Thanh Phương- Chủ tịch Hội nông dân huyện Tân Kỳ đang tham quan mô hình trao đổi. “ Từ mô hình này, năm 2022, Hội nông dân huyện Tân Kỳ sẽ tổ chức hội thảo đánh giá quá trình sử dụng bể ủ và máy thổi khí này để vận động nhân dân tự bỏ kinh phí đê xây bể ủ, áp dụng phương pháp mới này để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đối với những hộ trồng cam, trồng bưởi có quy mô lớn tại xã Tân Phú và các địa phương trong huyện”.
Thực tế hiện nay, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó có phân bón, dẫn đến hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp của người dân đạt thấp. Bởi vậy, việc hỗ trợ xây dựng mô hình đã giúp bà con nông dân tận dụng tối đa các phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi làm phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa góp phần nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững. Thời gian tới huyện Tân Kỳ sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn./.
Cẩm Tú
Trọng Hùng