ĐĂNG NHẬP  
image banner
Huyện Tân Kỳ phát huy chính sách dân tộc tạo sức mạnh cùng phát triển

            Tân Kỳ là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, với tổng diện tích tự nhiên 72.579 ha. Dân số có hơn 150 nghìn người, gồm 3 dân tộc chủ yếu là Kinh, Thái, Thổ sinh sống đan xen ở 11 xã, Thị trấn, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số 32.288 người chiếm 21.5%, trong đó đồng bào dân tộc Thái 12.992 người, dân tộc Thổ 18.705 người và các dân tộc khác 591 người. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, thời gian qua, huyện Tân Kỳ đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển KT - XH vùng dân tộc và miền núi và phát huy nội lực đoàn kết của nhân dân, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ từng bước được nâng lên và đổi thay từng ngày.

Trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Tân Kỳ đã đoàn kết, đồng thuận và hưởng ứng tốt các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các chương trình, chính sách dân tộc và miền núi triển khai thực hiện trên địa bàn kịp thời, đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc tiếp tục tăng trưởng khá. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực sản xuất, phương thức sản xuất ngày càng tiến bộ, hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường, nhất là các tuyến đường liên xã, liên huyện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Dịch vụ thương mại ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục phát triển. Bản sắc văn hóa các dân tộc được tiếp tục được bảo tồn và phát huy, chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Anh-tin-bai

Đường giao thông được bê tông hóa 

Xác định việc thực hiện chính chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mang tính chất toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo, phân công các phòng, ban chuyên môn, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ để triển khai thực hiện, giai đoạn 2019 – 2020, huyện đã đầu tư với tổng số vốn 7 tỷ đồng để thực hiện 14 công trình, dự án trên các lĩnh vực giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, thủy lợi ... duy tu sửa chữa 12 công trình với tổng số vốn đầu tư là 1 tỷ 500 triệu động. Giai đoạn 2019 - 2023, huyện Tân Kỳ đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại 12 xã vùng đồng bào DTTS&MN, đối tượng là các hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí là 14 tỷ 350 triệu đồng.

Tính đến đầu năm 2024, toàn huyện có 312 lượt người có uy tín được công nhận, đây là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, đây là những người luôn tích cực, đi đầu, chủ động trong việc tuyên truyền nhân dân, người thân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại địa phương…

Tính từ năm 2019 đến tháng 4 năm 2024 đã thực hiện chi trả hơn 72 tỷ 054 triệu đồng cho giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 40.136 triệu đồng cho học sinh được hưởng các chế độ, chính sách. Học sinh giỏi là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, từ năm học 2019 -2020 đến nay toàn huyện có 1.083 lượt học sinh là người dân tộc thiểu số đạt thành tích cấp huyện, riêng năm học 2023 – 2024 là 379 em ... Các chương trình y tế Quốc gia được triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao, đã thực hiện khám chữa bệnh cho đối tượng là người dân tộc thiểu số với 61.186 lượt người; khám thai gần 12 ngàn lượt người; hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số khám chữa bệnh vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND gần 700 triệu đồng cho 1.724 lượt người. Công tác truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung, đem lại hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, huyện Tân Kỳ đã huy động, lồng ghép hơn 155 tỷ 071 triệu đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 3%; 100% số xóm, bản trên địa bàn có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố ...

Anh-tin-bai

Huyện Tân Kỳ tập trung thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS với 106 tỷ đồng để đầu tư 15 công trình

Một trong những vấn đề huyện Tân Kỳ quan tâm nhất là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy huyện đã đầu tư xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho gần 800 hộ dân tại xã Tiên Kỳ, Đồng Văn với tổng mức đầu tư 13 tỷ 200 triệu đồng…. Ban chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo huyện đã phối hợp triển khai kêu gọi, ủng hộ xây dựng nhiều công trình thiết yếu như tuyến đường bê tông tránh lũ “Nâng bước em tới trường”, Công trình “Hệ thống nước tự chảy” vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xóm Đồng Kho – Đồng Thờ xã Nghĩa Dũng … Huyện cũng triển khai các dự án thiết thực, phù hợp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, hỗ trợ 298 triệu đồng cho các dự án theo chuỗi giá trị liên kết.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS với 106 tỷ đồng để đầu tư 15 công trình, trong đó có 13 công trình giao thông với tổng chiều dài 37km kết nối giữa các vùng; 03 cầu tràn vượt lũ; nâng cấp 01 chợ nông thôn. Duy tu bảo dưỡng hệ thống đường giao thông xóm Tân Sơn xã Hương Sơn 120 triệu đồng.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch được quan tâm thường xuyên. Trong đó, đã hỗ trợ tổng kinh phí: 22.698 triệu đồng để xây dựng 01 điểm du lịch với tổng mức đầu tư 5 tỷ 400 triệu đồng, 07 nhà văn hóa xóm 17 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách đã phủ kín huyện Tân Kỳ, tạo điều kiện thuận tiện hỗ trợ 9.194 lượt vay là hộ đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo nghèo và đối tượng chính sách với tổng số vốn giải ngân 526 tỷ 263 triệu đồng. Tổng dư nợ tính đến tháng 5 năm 2024 là 389 tỷ 577 triệu, với 5.831 hộ đang vay. Nhờ có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, từ năm 2019 đến 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7.862 hộ, đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 3.323 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2023 giảm so với năm 2019 giảm 4.539 hộ. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình, nhiều hộ gia đình đã trở thành gương điển hình, tiêu biểu trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh.

Anh-tin-bai

Trong đó, đã hỗ trợ tổng kinh phí 22.698 triệu đồng để xây dựng 01 điểm du lịch với tổng mức đầu tư 5 tỷ 400 triệu đồng.    

Hàng năm, huyện Tân Kỳ đã tổ chức thực hiện tốt “Cuộc vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo, ủng hộ Tết vì người nghèo, xây nhà đại đoàn kết, xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, các phong trào giúp vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, trên địa bàn đã tạo động lực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Về xây dựng nông thôn mới được huyện Tân Kỳ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và tập trung thực hiện. 5 năm qua, huyện đã phân bổ trên 130 tỷ đồng đầu tư cho 50 công trình về trường lớp, đường giao thông. Qua đó tạo động lực thúc đẩy cũng như huy động được tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội các xã, các thôn, xóm, bản vùng đồng bào DTTS của huyện. Đến nay, toàn huyện có 17 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 8 xã thuộc xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP” được quan tâm, chỉ đạo, đến nay toàn huyện đã có 24 sản phẩm đạt chuẩn OCOP “3 sao” như võng gai, măng khô, dầu vừng, mật ong, mật mía, ốc bươu vv... Trong quá trình thực hiện, nhiều tập thể, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp quan trọng  vào kết quả chung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng phát triển và có sức lan toả lớn; các danh hiệu văn hoá thực hiện tốt, tỷ lệ công nhận tăng qua các năm. Hiện nay, số hộ gia đình văn hoá đạt 31.037 hộ, bằng 85,2% tăng 3,7% so với năm 2019; 134 làng đạt làng Văn hoá, tăng 11 làng so với năm 2019; Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá 115 đơn vị. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, đã thành lập 4 câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc Thái, Thổ tại các xã: Tiên Kỳ, Phú Sơn, Hương Sơn, Giai Xuân, Tân Hợp để bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc như: lăm, khắp, đu đu điềng điềng, tập tình tập tang; khắc luống, cồng chiêng, nhảy sạp…

Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Tân Kỳ đã đoàn kết, đồng thuận và hưởng ứng tốt các phong trào thi đua yêu nước, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới, hội nhập, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả quan trọng.  Những thành quả nêu trên làm cho diện mạo nông thôn Tân Kỳ được thay đổi, tạo ra tiền đề mới, sức mạnh mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ lần thứ IV năm 2024 tiếp tục khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình cách mạng của đất nước ta. Đại hội tiếp tục khẳng định, ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đại hội là biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc, thống nhất ý chí và hành động để phát huy sức mạnh của cộng đồng các dân tộc.

Với chủ đề “Các dân tộc huyện Tân Kỳ đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ lần thứ IV, năm 2024 kêu gọi toàn thể các cơ quan, ban ngành, đơn vị và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt khó, tận tâm, tận lực cống hiến, vươn lên, biến những ước mơ, khát vọng thành hiện thực để xây dựng quê hương Tân Kỳ ngày càng giàu đẹp, văn minh, là địa danh đáng nhớ, đáng tự hào nơi miền Tây xứ Nghệ./.

         Bông Mai

  Trung tâm VHTT&TT Tân Kỳ

 

 
12345678910...
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN KỲ
 
image

Tin tức
  • Vẻ đẹp thiên nhiên của thác bồn Tân Hợp
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement