Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ đã có nhiều giải pháp để chỉ đạo nhân dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Trong đó, nổi bật là mô hình trồng cây dưa hấu xen diện tích cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Từ mô hình này, đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con Tân Phú.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ đã có nhiều giải pháp để chỉ đạo nhân dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Trong đó, nổi bật là mô hình trồng cây dưa hấu xen diện tích cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Từ mô hình này, đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con Tân Phú.
Gia đình anh Trần Xuân Công ở xóm Tân Yên nhận khoán của Công ty nông nghiệp nông trường sông Con 2 ha đất trồng cao su. Hiện nay, 1100 cây cao su của gia đình anh mới được 1 năm tuổi, đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Để lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích trồng cây cao su, anh Công đã đưa cây dưa hấu vào trồng xen. Dù chỉ làm thời vụ với mục đích chính là tận dụng đất đai, nhưng năm qua gia đình anh Công đã có một vụ mùa bội thu, dưa vừa được mùa vừa được giá, thương lái tìm đến tận vườn thu mua. Ngoài ra, anh còn trồng xen cây dứa dưới các gốc cao su, tận dụng đất trống lúc cây cao su chưa khép tán vừa tạo đường đồng mức chống xói mòn cho cây. Đây là cách hiệu quả để “lấy ngắn nuôi dài”, phù hợp cho những vườn cao su từ 1 đến 5 năm tuổi như của gia đình anh. Anh Công cho biết thêm: Vườn cao su của gia đình tôi đang thời gian kiến thiết cơ bản mình chưa có thu nhập, nên tôi tận dụng đất trống trồng xen cây dưa hấu và dứa, nếu chịu khó đầu tư chăm sóc, chăm bón tốt, 1 năm gia đình tôi thu nhập 100-150 triệu đồng từ cây dưa hấu, cộng thêm cây dứa trồng xen 1 năm cũng bán được 50 triệu đồng. Tổng thu nhập từ 1ha trồng xen gia đình tôi thu về 200 triệu đồng.
Vườn dưa xen cao su của gia đình anh Trần Xuân Công
Toàn xã Tân Phú hiện có gần 560ha trồng cây cao su, trong đó diện tích cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác là 250ha. Còn lại hơn 200ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, một số diện tích mới được trồng lại sau cơn bão số 3 năm 2010. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, thời gian kiến thiết cơ bản từ lúc mới trồng cho đến khi khai thác mủ lần đầu khá dài, thường phải mất 5-6 năm. Do được trồng ở những nơi đất có tầng dày, giàu mùn và dinh dưỡng, vì vậy trong thời gian này khi cây cao su chưa khép tán thì rất thuận lợi cho việc trồng xen canh thêm nhiều loại cây trồng khác nhằm tăng thêm thu nhập theo hướng lấy ngắn nuôi dài.
Từ đặc điểm đó của cây cao su, năm 2011, xã Tân Phú đã chỉ đạo triển khai mô hình trồng dưa trồng xen trên 130 ha diện tích cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Cây dưa hấu là một loại cây mới lần đầu tiên đưa vào đồng đất Tân Phú, chính vì thế trước lúc triển khai đề án, xã đã mở các lớp tập huấn về KHKT, hướng dẫn cách trồng, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh trên cây dưa cho bà con nông dân. Ban nông nghiệp và các ban ngành đoàn thể tập trung xuống các xóm chỉ đạo bà con xã viên xây dựng mô hình. Giống dưa hấu mà xã Tân Phú chọn trồng là giống Phù Đổng, quả to, có trọng lượng 5 – 6 kg, ruột đỏ, vị ngọt đậm, thương lái các nơi tìm đến thu mua ngay tại ruộng với giá khá cao. Ông Đặng Ngọc Thuần, Trưởng ban nông nghiệp xã Tân Phú cho biết: Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất như đầu tư giống, hướng dẫn KHKT mà sau khi thu hoạch, xã còn liên hệ với các đơn vị cung ứng ngoài tỉnh. Vì vậy, trong vụ dưa năm 2012, xã Tân Phú không chỉ cung cấp dưa cho thị trường Nghệ An mà còn đưa ra tận Hải Dương, Hải Phòng.
Hiện nay, ở Tân Phú, hộ trồng dưa nhiều nhất từ 2ha trở lên, hộ ít cũng có 5 sào. Diện tích trồng dưa xen cao su nằm tập trung ở các xóm Tân Phong, Yên Lương, Tân Xuân, Tân Yên… Dưa hấu là giống cây sinh trưởng ngắn ngày, thời tiết thuận lợi nên chỉ khoảng 3 tháng sau bà con đã có thu hoạch. Trung bình một sào dưa chi phí đầu tư khoảng 6 - 7 trăm ngàn đồng gồm giống và phân bón không tính công làm đất và chăm sóc vì nếu thời gian này không trồng và chăm sóc dưa thì bà con cũng phải mất công làm cỏ cho cao su. Với 130ha trồng dưa xen cao su, năng suất đạt 13 tấn/ha, vụ dưa vừa qua xã Tân Phú đã thu về 12 tỷ đồng, bình quân 1ha đạt 100- 150 triệu đồng. Hiệu quả từ cây dưa hấu trồng xen trên đất cao su đã được khẳng định, vì thế trong thời gian tới địa phương tiếp tục động viên người dân mở rộng mô hình này. Địa phương cũng sẽ kết hợp với Công ty nông nghiệp Sông Con chuyển đổi lại một số diện tích cây cao su kém hiệu quả do thiệt hại của bão số 3 năm 2012. Năm 2013, xã đã trồng mới 50ha cây cao su và sẽ tiếp tục đưa cây dưa hấu vào trồng xen để tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.
Nhờ “mượn” đất những vườn cao su non để trồng xen canh cây dưa hấu, nhiều hộ nông dân ở Tân Phú không chỉ thoát được nghèo, mà còn trở thành hộ giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong điều kiện quỹ đất của địa phương ngày càng hạn hẹp thì việc tận dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất được xem là phương án tối ưu để Tân Phú phát triển kinh tế, tăng mức sống cho người dân.
(Hiến Chương)
Nguồn: Truyền hình Nghệ An (16/4/2013)