Tân Kỳ, miền quê yêu dấu, quê của muôn quê, từng trải qua gần 60 năm chống chọi với thiên tai giặc giã, gian khó bủa vây nhưng người dân nơi đây vẫn một lòng kiên trung với Đảng, chung sức đồng lòng vượt khó để xây dựng quê hương. Đặc biệt những năm gần đây cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá để đưa Tân Kỳ từng bước phát triển.
Xác định việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí khác nên những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Tân Kỳ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình đề án, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 10 đến 11,5%. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.579 tỷ 802 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2021, giá trị gia tăng bình quân đầu người ước đạt 44,2 triệu đồng, tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn của huyện Tân Kỳ
Thế mạnh của huyện nhà là phát triển nông lâm ngư nghiệp. Bà con đã thực hiện dồn điền đổi thửa quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa vào gieo trồng các giống mới có năng suất cao chất lượng tốt, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng chăm sóc và thu hoạch trên diện tích cây mía, cây ngô, chú trọng canh tác lúa theo kỹ thuật thâm canh cải tiến SRI... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Tổng sản lượng lương thực cả năm 2022 ước đạt 82.930 tấn, bằng 106% kế hoạch. Mô hình trồng cây ăn quả đang được mở rộng tại các xã Tân Phú, Tân Long, Tân An, Kỳ Sơn, trồng rau màu hàng hóa, xây dựng vườn mẫu tại nhiều địa phương trong huyện đã phát huy hiệu quả. Đồng thời quy hoạch, hình thành các khu chăn nuôi tập trung ngoài đồng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa thuận lợi tăng quy mô tổng đàn. Chú trọng mối liên kết “ 4 nhà” để xây dựng thương hiệu và ổn định bao tiêu sản phẩm. Từ đó xuất hiện các mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi lợn, nuôi gà đẻ trứng, gà thịt, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp vườn, ao chuồng rừng... đã giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay toàn huyện có hơn 50.500 con trâu bò, đàn lợn hơn 50.400 con và gần 1,8 triệu con gia cầm. Diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng với hơn 1.600 ha ao, hồ đập. Năm 2022, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng ước đạt gần 3000 tấn, tăng 22,5% so với năm 2021. Đặc biệt chú trọng xây dựng mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện Tân Kỳ đã có 16 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên như mật mía, mật ong, trứng gà, cam Sông Con, Chuối Nam Mỹ, Nấm Sò trắng, Bưởi da xanh, bưởi vực Rồng, Dầu lạc Hòa Hảo, Viên hoàn hà thủ ô mật ong, viên hoàn hà thủ ô tinh bột nghệ...
Mô hình trồng chuối cho năng suất cao ở xã Tân Long
Huyện Tân Kỳ có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn với hơn 38.000 ha nên các địa phương đã chú trọng phát triển kinh tế rừng. Cùng với khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ diện tích rừng phòng hộ thì bà con đã mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất, trong đó chủ lực là trồng keo nguyên liệu. Nhờ đó đã giúp địa phương duy trì độ che phủ rừng từ 39- 40% và bà con có nguồn thu nhập khá từ kinh tế rừng.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, mở rộng ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu người dân và thúc đẩy phát triển về mọi mặt. Đến nay, toàn huyện đã có 15/21 xã được UBND tỉnh công nhận đạt nông thôn mới, và đầu năm 2023 này tiếp tục thẩm định thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Mô hình trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Giai Xuân
Hệ thống hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều dự án được triển khai xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt thị trấn Tân Kỳ. Dự án đường dây và trạm biến áp 110Kv Tân Kỳ được xây dựng và sắp tới đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp điện tại địa bàn huyện Tân Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận hành an toàn, ổn định lưới điện. Đồng thời sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Công nghiệp xây dựng tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt hơn 3.282 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2021. Hiện nay trên địa bàn huyện có 286 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 35 doanh nghiệp thành lập mới năm 2022, với số vốn đăng ký là 94 tỷ đồng. Dịch vụ thương mại phát triển, năm 2022 giá trị sản xuất tăng 10,9% so với năm 2021.
Thu hút vốn cho đầu tư phát triển được tăng cường, huyện đã đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 11 dự án với tổng mức đầu tư gần 1000 tỷ đồng. Dự án cầu Rỏi 2 và đường 2 đầu cầu kết nối Quốc lộ 7C đã được chấp thuận chủ trương nhằm mở rộng Thị Trấn Tân Kỳ về phía Bắc, tránh ùn tắc giao thông đoạn qua Nhà máy May Minh Anh, góp phần phát triển vùng Tây Bắc huyện. Một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển như nhà máy may Minh Anh Tân Kỳ; Chợ mới Tân Kỳ...
Nhiều tuyên đường giao thông nông thôn ở Tân Kỳ được chỉnh trang
Những năm qua, bằng sự nỗ lực vượt bậc, huyện Tân Kỳ đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục các huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Toàn huyện đã có 53/66 trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Tại các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia huyện Tân Kỳ đều tham gia và đạt thành tích cao, nhiều năm được xếp vào tốp đầu của tỉnh, có nhiều người con Tân Kỳ đã thành danh, vươn xa để cống hiến tâm sức và trí tuệ dựng xây quê hương đất nước.
Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền tiếp tục phát triển; đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đề án phát triển du lịch huyện Tân Kỳ giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai thực hiện mở ra một tiềm năng du lịch lớn cho quê hương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đối với du lịch văn hóa lịch sử, điểm nhấn là di tích Quốc gia đặc biệt Km0- đường Hồ Chí Minh; khu di tích lịch sử thành Lê Lợi, đình Làng Dụng, đình Làng Sen, đền Song Đồng Ngọc Nữ…; Đối với du lịch sinh thái, huyện có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: hệ thống hang Mó ở xã Tiên Kỳ, thác Bồn, cụm hang Thung Khiển ở xã Tân Hợp, khe Xanh ở xã Nghĩa Phúc, Tân An; khu vườn độc đáo, nơi cư ngụ của hàng nghìn con cò ở xã Nghĩa Hoàn; Hệ thống hồ đập phong phú và dòng sông Con thơ mộng. Tân Kỳ còn là điểm đến hấp dẫn du khách với các cộng đồng làng gắn với các giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như lễ hội Bươn Xao gắn với làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái ở xã Tiên Kỳ; làng nghề đan võng gai của đồng bào Thổ ở xóm Long Thọ, xã Giai Xuân.
Các thiết chế văn hóa trên địa bàn đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân
Công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm luôn được cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng, đặc biệt là số lao động trở về quê trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid19. Huyện đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An để hướng dẫn, tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong năm 2022 đã tạo việc làm cho 3.471 người, trong đó xuất khẩu lao động hơn 800 người.
Công tác dân số, y tế có nhiều tiến bộ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ không ngừng được nâng cao, nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Phong trào ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’được duy trì thường xuyên. Chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai tích cực, huyện đã thực hiện các mô hình trao sinh kế cho hộ nghèo, kịp thời động viên hỗ trợ những gia đình gặp hoạn nạn khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid19 diễn biến phức tạp, thiên tai lũ lụt, các địa phương trong huyện đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, huyện đã giang rộng vòng tay đón những người con xa quê trên mọi miền tổ quốc và nước ngoài trở về địa phương tránh dịch. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo huyện nhà là 8,03%, giảm 1,74% so với năm 2021.
Huyện Tân Kỳ tiếp tục thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước giai đoạn 2021- 2025 có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số huyện Tân Kỳ giai đoạn 2021- 2025 để tổ chức thực hiện trên địa bàn. Đã hoàn thành việc kết nối họp trực tuyến giữa huyện với các xã, thị trấn; Hoàn thiện việc cập nhật các thủ tục hành chính lên môi trường điện tử phục vụ cho các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp; Triển khai xong chứng thư số trên phần mềm quản lý văn bản điện tử VNPT-Ioffice; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Các xã đạt chuẩn xây dựng NTM
Lĩnh vực Quốc phòng- An ninh đạt được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế- xã hội phát triển, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm xây dựng thế trận khu vực phòng thủ; tổ chức tốt diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập khu vực phòng thủ huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, thị trấn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được đẩy mạnh; không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Một dấu ấn quan trọng đó là Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã thực sự đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai thực hiện tốt chương trình công tác đã được xác định, bao quát công việc và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, bức thiết, tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Năng lực quản lý điều hành của UBND các cấp ngày càng được đổi mới, nâng cao theo hướng linh hoạt, khoa học, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới, gần dân sát cơ sở, góp phần tích cực cùng Đảng bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Với những kết quả đạt được trên mọi lĩnh vực, năm 2020 Đảng bộ huyện được Tỉnh ủy xếp loại vững mạnh, chính quyền huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh xếp loại xuất sắc, thành tích này đã minh chứng cho sức vươn mạnh mẽ, là kết quả của ý chí quyết tâm, của tinh thần đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, với lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà sẽ tiếp tục đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và khát vọng vươn lên, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là tâm huyết, công sức, trí tuệ của những người con Tân Kỳ xa quê đang sinh sống và công tác trên khắp mọi vùng miền của tổ quốc để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm khai thác tối đa mọi tiềm năng thế mạnh của quê hương, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, phấn đấu đến năm 2025 đưa Tân Kỳ trở thành huyện phát triển toàn diện của khu vực Miền Tây Nghệ An./.
Cẩm Tú
Trung tâm VHTT& TT Tân Kỳ