ĐĂNG NHẬP  
image banner
Tiềm năng phát triển huyện Tân Kỳ
Tiềm năng phát triển huyện Tân Kỳ(19/02/2019 01:42 PM)

Vị trí địa lý

- Huyện Tân Kỳ có tọa độ từ 18058đến 19032vĩ độ Bắc và từ 105002đến 105014kinh độ Đông, có vị trí tiếp giáp:+ Phía bắc giáp huyệnNghĩa Đànvà huyệnQuỳ Hợp+ Phía nam và đông nam giáp với huyệnĐô Lương+ Phía tây và tây nam giáp huyệnAnh Sơn+ Phía đông và đông bắc giáp huyệnYên Thànhvà huyệnQuỳnh Lưu.

- Tân Kỳ có diện tích tự nhiên là 72.890,23 ha. Nếu xét về diện tích tự nhiên, huyện Tân Kỳ có diện tích tự nhiên đứng thứ 9 trong tổng số 20 huyện, thành, thị của cả tỉnh Nghệ An.

- Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, địa hình Tân Kỳ bị chia cắt bởi các dãy núi, khối núi và hệ thống sông suối lớn nhỏ đưa nước trên địa bàn các xã, thị của huyện, hợp lưu vào sông Lam. Tính chung toàn huyện, diện tích đồi núi chiếm tới 80% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Quan sát trên bản đồ địa lý tự nhiên huyện Tân Kỳ và qua khảo sát thực địa ta thấy, núi đồi cao thấp lớn nhỏ bao quanh tất cả các xã, thị, trên địa bàn huyện, tạo thành những vòng cung lớn, vẽ nên một dạng địa hình lòng chảo, mang tính đặc thù của địa bàn miền núi mà ta thường gặp khi đi lên vùng phía tây Nghệ An.

- Các xã Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân được coi là vùng đỉnh của huyện, có cấu trúc địa hình nghiêng dần về phía sông Con (một trong những sông nhánh đổ về sông Lam). Đỉnh núi cao nhất trên địa bàn huyện Tân Kỳ là đỉnh Pù Loi, có độ cao 1.100m. Dãy núi Pù Loi chạy dài xuống tận lèn Pha Lồ, cắt ngang qua Trại Lạt - Cây Chanh đổi hướng qua đồi Hoong Bà rồi chạy qua đồi Nho học, sang đồi Độc Lập ở vùng Tiên Kỳ. Đến đây, dãy Pù Loi đổi hướng, thế núi thấp dần, chạy qua Khe Lòa đến chân Pù Hà và vươn dài đến Khe Sắn. Từ xưa tới nay, đỉnh Pù Loi nói riêng và dãy núi hùng vĩ Pù Loi gắn liền với bao câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, dã sử.v.v… của những nhân vật bước ra từ thế giới thần tiên và cả những nhân vật có thật trong lịch sử, phản ánh đời sống tôn giáo tín ngưỡng của các thế hệ cư dân sống dưới những thung lũng núi, nơi có những cánh đồng nhỏ hẹp và ngay sau đó là rừng rậm suốt trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặt chân đến vùng đất Pù Loi, trí tưởng tượng của con người dường như phong phú hơn và khi đứng trên đỉnh Pù Loi, phóng tầm mắt ra bốn hướng ta cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ nên thơ, hùng vĩ mà tạo hóa đã tạo nên cách ngày nay hàng trăm triệu năm để ban tặng cho con người nơi đây.

- Đứng sau đỉnh Pù Loi là đỉnh Pù Á có độ cao chỉ là 490m và tiếp đến là đỉnh Bồ Bồ (472m). Dãy Bồ Bồ chạy dài từ xã Quỳnh Tam huyện Quỳnh Lưu đến làng Vĩnh Giang ở khu vực Truông Dong, hình thế vững chãi, bề thế chẳng khác gì một con rồng lớn đang uốn mình bay lượn, tạo nên nét chấm phá khá độc đáo cho cả bốn huyện là Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương và Tân Kỳ. Dãy núi Bồ Bồ trước đây chừng một thế kỷ còn là cả một vùng rừng nguyên sinh với ngút ngàn cây cối rậm rạp, chim thú đủ loại.

- Từ km số 0, vượt qua cầu Rỏi, men theo con đường nhựa chạy sát dưới chân lèn Rỏi, ngược lên vùng Liên Hoàn xưa, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, đến tận xã Nghĩa Phúc là cả một bức tranh đa chiều: một bên là lèn đá, có độ dốc trên 250, núi non hùng vĩ, cây cối um tùm của rừng cũ tái sinh, rừng trồng mới, chạy điệp điệp trùng trùng, mỗi ngọn núi, dòng suối, ngọn khe được người xưa đặt cho một cái tên mang một giá trị lịch sử riêng của nó, nghe vừa lạ vừa gợi trí tò mò; với một bên là những cánh đồng tương đối bằng phẳng bát ngát một màu xanh của ngô, mía, lạc, rau, đậu, bầu bí, đủ các loại.

- Đến xã Nghĩa Hoàn, với một thương hiệu“ngói Cừa”đã tạo một ấn tượng tốt cho nhân dân trong khu vực và cả nước. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhờ tinh thần lao động sáng tạo, cần cù, nhân dân Nghĩa Hoàn đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo bức tranh kinh tế, văn hóa - xã hội tại vùng đất này. Từ Nghĩa Hoàn ngược lên các xã phía Tây và Tây Bắc của huyện, địa hình cao dần, núi đồi cao thấp chạy theo nhiều hướng khác nhau, cùng với nhiều khe suối lớn nhỏ. Tất cả như một bức tranh thiên nhiên vừa đẹp, quyến rũ làm nức lòng những ai đã một lần đến thăm.

- Qua cầu Rỏi, rẽ trái, xuôi dòng sông Con, men theo Lèn Rỏi đến nông trường An Ngãi theo hướng Đông, địa hình tương đối bằng phẳng, cánh đồng trải rộng, ít núi cao, thuận tiện cho việc phát triển cây công ngiệp ngắn ngày, rau màu và trồng lúa, hai ba vụ trong năm.

- Từ Km số 0, theo đường Hồ Chí Minh đi lên xã Nghĩa Bình địa hình có hướng cao dần, hệ thồng đồi núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là chính, nhưng cũng có một số núi ở xã Nghĩa Hợp và khu vực trại giam, chạy theo hướng Bắc - Nam, có độ cao từ 50 - 200m. Sự xuất hiện của các dãy núi này đã tạo ra những thung lũng nhỏ hẹp mà từ lâu con người đã sớm khai phá để trồng ngô, khoai, sắn, lúa, mía,... Cách đây vài thập kỷ, vùng đất này có mật độ dân cư khá thưa thớt, chỉ khi tuyến đường Hồ Chí Minh được mở thì mật độ dân cư ở đây mới có sự thay đổi nhanh chóng theo xu hướng hình thành cụm dân cư tập trung dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh suốt từ km số 0 đến tận vùng đất giáp huyện Nghĩa Đàn.

- Tóm lại, trên địa bàn Tân Kỳ có nhiều dãy núi chạy dài, cộng với hàng trăm ngọn núi nhỏ, có độ cao thấp và hướng khác nhau, chia cắt địa hình thành nhiều tiểu vùng, với sự xuất hiện của nhiều thung lũng và các cánh đồng nhỏ hẹp, chạy dọc theo thung lũng núi hoặc dọc theo đôi bờ sông Con. Tại các thung lũng núi, hệ thống ruộng bậc thang là phổ biến rất khó để đầu tư thâm canh, tăng năng suất cho cây lúa cũng như các loại hoa màu khác. Riêng những dải đồng bằng chật hẹp, chạy dọc theo sông Con có độ chênh so với lòng sông tương đối lớn do đó về mùa hạn, tình trạng thiếu nước là khá phổ biến. Nhưng đến mùa mưa lũ, lòng sông hẹp, các khe suối dốc đưa nước từ các ngọn núi cao đổ về gây ngập úng nghiêm trọng

- Với vị trí địa lý đó, Tân Kỳ có vị thế hết sức thuận lợi để có thể mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng miền trong tỉnh và trong nước. Về phía Bắc, Tân Kỳ gần như nối liền với toàn bộ vùng đất Phủ Quỳ xưa nếu không lấy ranh giới tự nhiên được chia tách từ năm 1963 làm giới hạn. Như vậy, với tầm nhìn liên vùng, khác với quan niệm truyền thống vốn bị bó hẹp trong một phạm vi không gian nhất định nào đó, khi quy hoạch phát triển kinh tế ta có thể đặt Tân Kỳ trong cả một phạm vi không gian lớn hơn nhiều nếu muốn phát triển về phía Bắc. Chẳng hạn, khi quy hoạch vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hay cây ăn quả với diện tích lớn đủ khả năng cung cấp cho một hoặc vài nhà máy có trang thiết bị hiện đại, công suất lớn, thì không gian địa lý không còn bó hẹp trong phạm vi địa giới hành chính của các xã nằm về phía Bắc của huyện tiếp giáp với Nghĩa Đàn, hay Quỳ Hợp. Quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho máy đường Telair Quỳ Hợp, do các chuyên gia kinh tế đến từ Anh quốc tiến hành đã cho thấy điều đó. Hoặc như quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cỏ để phát triển đàn bò lấy sữa phục vụ cho nhà máy sữa TH có công suất lớn nhất cả nước ở Nghĩa Đàn đã cho thấy điều đó.

- Phía và Đông, theo cách tiếp cận mới về vị thế địa lý, ta có thể đặt Tân Kỳ trong phạm vi không gian rộng lớn của huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn, thậm chí là nhiều huyện khác và hội đủ cả hai yếu tố là miền núi trung du và đồng bằng. Nếu nhìn từ góc độ đó, thì rõ ràng việc khảo sát và quy hoạch để mở ra những hướng đi mới cho những dự án kinh tế lớn trên vùng đất Tân Kỳ là rất khả thi. Điều này, không có gì mới lạ so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thậm chí, trong quy hoạch phát triển thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thủ đô Hà Nội, v.v… từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tính đến khả năng đó. Cuối thế kỷ XX, khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, các nhà quy hoạch trong nước và các công ty tư vấn nước ngoài cũng đã đưa ra những quy hoạch đô thị mà trong đó không gian đô thị lớn hơn nhiều so với địa giới hành chính của thành phố đó, nhằm phát huy tối đa lợi thế của nguồn tài nguyên vị thế. Chẳng hạn, quy hoạch phát triển đô thị Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đã mở ra một không gian đô thị lớn gần gấp 2,5 lần không gian đô thị hiện có của Vinh. Với vị thế đó, Vinh mới có thể vươn tầm lên ngang tầm với Đà Nẵng, Cần Thơ, … và thực sự là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của Bắc Trung bộ.

- Đó là chưa tính đến Tân Kỳ còn tiếp giáp với vùng đất Yên Thành, Quỳnh Lưu ở phía Đông và Đông Bắc. Đây là hai huyện có diện tích lớn, dân cư đông đúc, hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp một lực lượng lớn lao động, có trình độ dân trí cao và truyền thống lao động cần cù, sáng tạo đáp ứng kịp thời cho những dự án lớn về kinh tế.

- Nếu nhìn từ góc độ văn hóa vùng thì rõ ràng, Tân Kỳ nằm trong cả một không gian văn hóa rộng lớn của vùng trung hạ lưu sông Lam. Đây là một trong những vùng văn hóa có nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo mà từ nhiều thế kỷ trước ông cha ta đã xếp ngang hàng với các vùng văn hóa khác như: Xứ Lạng, xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng,v.v… Tài nguyên vị thế thuận lợi này cho phép Tân Kỳ nói riêng và cả xứ Nghệ nói chung bước vào hội nhập với cộng đồng khu vực và thế giới mà không bị hòa tan trong dòng chảy văn hóa, văn minh của nhân loại.

- Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, nhất là hệ thống đường giao thông hiện tại, chưa đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết khi đầu tư xây dựng các trung tâm công nghiệp lớn, có sức thu hút từ hàng ngàn lao động có trình độ tay nghề cao trong phạm vi không gian địa lý của huyện Tân Kỳ. Do đó, để phát huy được nguồn tài nguyên vị thế cho việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa,… đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn Tân Kỳ nói riêng và cả phạm vi không gian rộng lớn mà chúng tôi vừa trình bày ở trên, còn có nhiều vấn đề phải giải quyết.

- Tuy gặp không ít thách thức trên bước đường đi tới, song với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và nguồn nội lực của Tân Kỳ, chắc chắn nguồn tài nguyên vị thế sẽ mang lại nhiều lợi thế để Tân Kỳ vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập cùng cộng đồng khu vực, thế giới.

Khí hậu

- Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, Tân Kỳ có chế độ khí hậu chung là nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều theo mùa giống như nhiều huyện thành khác. Song, do điều kiện địa hình tương đối phức tạp lại bị chia cắt bởi các dãy núi, khối núi lớn, nên ngay trong địa bàn huyện vẫn hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu. Thông thường, từ tháng 11 đến tháng 3, thời tiết khô hanh, gây nên tình trạng khô hạn kéo dài. Từ tháng 4 đến tháng 8, do chịu ảnh hưởng của gió Phơn Tây Nam (còn gọi là gió Lào), nắng hạn tiếp tục diễn ra, trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ bình quân có thể lên tới 37,5 - 390c, đặc biệt có những tuần ở tháng 5, tháng 6 nhiệt độ lên tới 40,5 - 41,50c. Tổng số giờ nắng bình quân ở Tân Kỳ hàng năm từ 1500 - 1700 giờ. Do có khá nhiều núi đá vôi, lượng nhiệt mặt trời hấp thụ vào đá, nên đến 9 -10 giờ đêm nhiệt độ vẫn nóng hầm hập, cây cỏ chết khô, đồng ruộng nứt nẻ, hồ đập cạn nước, gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân và phát triển sản xuất. Nhiệt độ bình quân ở Tân Kỳ hàng năm vào khoảng 230c, trong khi đó nhiệt độ cao nhất lên tới 420c (chênh lệch tới 190c). Về mùa Đông nhiệt độ xuống thấp, có ngày xuống dưới 130c, thậm chí xuống đến 4 - 50c, thấp nhất là 10c.

Lượng mưa bình quân hàng năm ở Tân Kỳ khoảng 2000 - 2200mm, chia thành 2 mùa rõ rệt:

+ Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15 - 20% tổng lượng mưa cả năm. Trong đó, khác với một số địa phương khác trong tỉnh Nghệ An, nhất là các huyện đồng bằng, vào tháng 1 tháng 2 thường có mưa xuân rả rích, kéo dài trong nhiều ngày, trong khi ở Tân Kỳ lượng mưa chỉ đạt khoảng 50 - 60mm/tháng, tức là mỗi tháng lượng mưa chỉ chiếm khoảng 1/30 tổng lượng mưa cả năm.

+ Mùa mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10, với lượng mưa chiếm tới 80 - 85% tổng lượng mưa cả năm. Trong đó, riêng lượng mưa bình quân tháng 8 và tháng 9 đạt từ 250 - 550mm/tháng.

- Khi mưa bão ập đến, nước ào ạt từ các khe suối đổ về, lòng sông con nước dâng cao, trải rộng gấp 4 - 5 lần ngày thường, nước tung bọt trắng xóa, chảy xiết, cuốn theo đất đá, cây cỏ hoa màu và cả nhà cửa, tài sản, hoa màu của nhân dân dọc đôi bờ sông. Những năm gần đây, do diện tích rừng nguyên sinh cạn kiệt, diện tích rừng trồng tăng nhanh, song chưa đủ khả năng để điều hòa lượng nước, làm giảm lượng nước tập trung đổ về sau mưa, nên tình trạng ngập úng diễn ra trên địa bàn nhiều xã, gây không ít khó khăn cho giao thông đi lại cũng như phát triển sản xuất. Mưa lớn, tập trung theo mùa và thậm chí là vài ngày liên tục còn gây nên tình trạng xói mòn, sạt lỡ, hư hỏng cầu cống, các công trình phục vụ dân sinh, đặt cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Kỳ luôn trong tình trạng chưa kịp khắc phục hậu quả khô hanh, nắng hạn kéo dài đã phải tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt.

- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm duy trì ở mức độ cao, khoảng 80 -90%, tháng 9 là tháng có độ ẩm cao nhất trong năm, thông thường lên tới 90 - 93%. Riêng tháng 7 độ ẩm thấp nhất, chỉ đạt khoảng 74%. Lượng nước bốc hơi hàng năm ước đạt 780mm, chiếm hơn 1/3 tổng lượng mưa hàng năm.

- Ngoài gió Phơn Tây Nam, hàng năm Tân Kỳ nói riêng Nghệ An và các tỉnh ở Bắc Trung Bộ còn chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Thường bắt đầu từ tháng 10 gió mùa Đông Bắc xuất hiện và kéo dài cho đến hết tháng 3: “Rét nàng Bân” mới kết thúc. Theo số liệu của Cục khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, hàng năm Nghệ An thường phải chịu ảnh hưởng của 30 đợt gió mùa Đông Bắc, trong đó đợt kéo dài có thể lên tới trên 1 tuần, đợt ngắn cũng thường mất 2 - 3 ngày. Tân Kỳ cũng nằm trong tình trạng chung đó. Những ngày có gió mùa Đông Bắc, trời rét, nhiệt độ xuống thấp, bầu trời âm u, độ ẩm thấp, gây tác hại không nhỏ đối với cây trồng, vật nuôi và cả với sức khỏe của con người.

- Riêng vùng Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Hợp, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái… mặc dầu ở liền kề nhau, song chế độ mưa, độ ẩm, nhiệt độ bình quân hàng năm có những nét khác nhau. Đó chính là nét riêng khá độc đáo mà ta thường bắt gặp khi nghiên cứu về chế độ thời tiết khí hậu ở các huyện miền núi nói chung và miền núi Nghệ An nói riêng.

Dân cư

- 148.457 người (31/12/2019) với 36.483 hộ. Toàn huyện có gồm 21 xã và 01 thị trấn với 149 khối, xóm, bản sau khi sát nhập.

- Theo khảo sát nghiên cứu của các nhà khảo cổ học người Pháp và các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, xã hội học Việt Nam tại các di chỉ khảo cổ học ở Thẩm Ôm, Thẩm Bua (Quỳ Châu), Làng Vạc (Nghĩa Đàn), Đồng Trương (Hội Sơn, Anh Sơn), Lèn Chùa (Tân Kỳ),v.v… cách đây hàng chục vạn năm trên vùng đất thuộc các huyện miền núi phía Tây Nghệ An nói chung, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ nói riêng đã xuất hiện các nhóm người tối cổ[1]. Họ chính là chủ nhân tạo ra nền văn hóa bản địa từ thời kỳ đồ đá đến thời đại đồ đồng, đồ sắt trên vùng rừng núi điệp trùng, hùng vĩ và rộng mênh mông này. Trong buổi đầu của bình minh lịch sử những bầy người nguyên thủy sống dựa vào các hang động, mái đá, cuộc sống của họ dựa vào việc săn bắt hái lượm, khai thác các nguồn lợi sẵn có trong tự nhiên. Trải qua hàng vạn năm khai thác, chinh phục, cải tạo tự nhiên để sinh tồn, các tộc người tối cổ sống trên vùng đất này dần dần thoát khỏi đời sống săn bắt, hái lượm, chuyển sang săn bắn, trồng trọt và chăn nuôi. Họ rời khỏi hang động, mái đá đi xuôi dòng sông Lam và các nhánh sông phụ của con sông huyền thoại đứng hàng thứ ba trong hệ thống sông của nước ta (sau sông Cửu Long và sông Hồng) về các huyện trung du, đồng bằng để sinh sống. Tại Bảo tàng tổng hợp Nghệ An, hiện đang trưng bày hàng ngàn hiện vật từ thời đại đồ đá như các mảnh tước, rìu đá, cuốc đá, chày đá,… đến rìu đồng, lưỡi dao găm bằng đồng, lưỡi cày đồng, trống đồng, thạp đồng,v.v… phát hiện được tại các di chỉ khảo cổ ở các huyện miền núi Nghệ An nói chung và không ít hiện vật thời đại đá, thời đại đồ đồng tìm thấy ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ nói riêng, là minh chứng cho sự phát triển liên tục và bền vững của dòng văn hóa - văn minh bản địa mà tổ tiên xưa đã tạo nên cách ngày nay hàng chục vạn năm.

- Cũng có giả thiết cho rằng, so với vùng đất Quỳ Châu - Quế Phong, vùng đất Tân Kỳ - Nghĩa Đàn dấu tích con người định cư muộn hơn và có thể phải đến giai đoạn đá muộn - sơ kỳ đồ đồng các nhóm người Việt cổ mới đến định cư tại đây? Từ kết quả nghiên cứu các hiện vật tìm thấy tại di chỉ Thẩm Ồm, Thẩm Bua, Đồng Trương, Làng Vạc, Lèn Chùa,v.v… của thời đại đá và thời đại đồ đồng các nhà khảo cổ học, dân tộc học và sử học đã thống nhất ý kiến khi khẳng định nền văn hóa - văn minh mà các tộc người đầu tiên định cư trên vùng đất Nghĩa Đàn - Tân Kỳ nói riêng, miền núi phía Tây Nghệ An nói chung tạo ra là hết sức phong phú, đa dạng và họ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hình thành, bảo vệ nhà nước Văn Lang - Âu Lạc từ thời Hùng Vương, An Dương Vương.

- Trải bao thăng trầm biến đổi của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thành phần cư dân sinh sống lập nghiệp trên vùng đất Tân Kỳ ngày nay có nhiều thay đổi. Không ít người từ vùng đất Tân Kỳ di cư về các huyện đồng bằng hoặc đi đến các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn,… và cả các địa phương khác trong cả nước sinh sống. Và cũng không ít người từ nhiều vùng miền khác đến định cư, lập nghiệp trên vùng đất Tân Kỳ[2].

- Qua khảo sát, đến nay, thành phần dân cư ở Tân Kỳ chủ yếu tập trung vào 3 dân tộc là: Kinh, Thái, Thổ. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm tới 82% dân số toàn huyện, có mặt ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Về nguồn gốc người Kinh sống ở Tân Kỳ, ngoài một số dòng họ như: Trần, Lê, Phạm, Phan, Nguyễn… định cư ở Tân Kỳ từ 12 - 15 đời hoặc ít hơn là 8 - 10 đời theo phả tộc, còn có khá đông người Kinh từ các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,… đến định cư ở đây mới khoảng vài chục năm. Một số ít người Kinh từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và một số tỉnh thành khác vì những lý do khác nhau cũng đến định cư ở Tân Kỳ trong khoảng nửa thế kỷ lại nay.

- Ngoài cư dân bản địa, dòng người thuộc dân tộc Kinh đến định cư ở Tân Kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến nay tập trung vào các giai đoạn chủ yếu sau đây:

+ Sau khởi nghĩa Giáp Tuất của Trần Tấn và Đặng Như Mai năm 1874 và sau thất bại của phong trào Cần Vương chống Pháp (1885 - 1895), để tránh sự thảm sát của Pháp và triều đình, một số nghĩa quân tham gia khởi nghĩa Giáp Tuất, phong trào Cần Vương trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương,Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Diễn Châu,v.v… cùng gia đình của họ buộc phải rời bỏ quê hương trốn lên định cư dọc đôi bờ sông Con, khu vực Lạt, Cừa,v.v… Con cháu của những gia đình này có mối liên hệ khá bền chặt với anh em nội ngoại ở quê cũ. Một số họ đã phân nhánh và lập họ (Trung chi, hoặc Tiểu chi), hàng năm vào rằm tháng 10, rằm tháng 12, rằm tháng giêng, hay tết nguyên đán, anh em con cháu thường tụ họp tại nhà thờ để thăm hỏi, chúc tết hoặc tiến hành nghi lễ cúng tế tổ tiên. Số người này đã đến định cư ở Tân Kỳ hơn một thế kỷ.

- Cùng với công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai được tư bản Pháp tiến hành trên phạm vi toàn Đông Dương, sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất (1918) kết thúc, một số tập đoàn tư bản Pháp đổ vốn đầu tư vào khu vực Vinh - Bến Thủy, biến đây thành trung tâm công nghiệp - giao thông vận tải - thương mại lớn nhất ở vùng Bắc Trung Kỳ; một số điền chủ người Pháp cấu kết với bộ máy chính quyền bao chiếm hàng vạn ha đất đai ở vùng Phủ Quỳ để làm đồn điền. Trại Lạt, Trại Cừa và vùng đất phù sa dọc sông Con nằm trong tầm mắt của các điền chủ người Pháp. Bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt các điền chủ người Pháp đã bao chiếm phần lớn diện tích đất đai màu mỡ ở đây, thuê nhân công, phát cây, trồng ngô, lạc, đay, thầu dầu, cà phê, cao su,v.v… chăn nuôi gia súc như trâu, bò. Theo báo cáo của Sở Công chính Trung Kỳ, đến năm 1928, riêng vùng đất Nghĩa Đàn có tới 10 đồn điền lớn, chiếm tới 14.700ha[3]. Trên vùng đất các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp hiện nay có đồn điền của Gom be (Gombert).Vùng đất Tân Phú, Nghĩa Hoàn, Tân Long, Nghĩa Đồng có đồn điền của Pa pa Đa tô (Papa Zato). Giống như hệ thống đồn điền ở Phủ Quỳ, cuộc sống của công nhân đồn điền ở đây hết sức cực khổ, bệnh tật, đói rét hoành hoành, nhiều người bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, nhiều người phải phiêu tán đi nơi khác. Sau khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, các ông chủ đồn điền người Pháp ở Tân Kỳ phải bán lại đồn điền này cho người khác. Đến cách mạng tháng 8 năm 1945, trên vùng đất Tân Kỳ ngày nay còn tồn tại hai đồn điền là Vực Rồng và Đào Nguyên.

- Sự xuất hiện ngày càng nhiều các đồn điền của các điền chủ người Pháp ở Phủ Quỳ nói chung và vùng đất Tân Kỳ nói riêng trong những năm 20 - 30 của thế kỷ trước đã kéo theo sự thay đổi về thành phần dân cư trên vùng đất này. Nhiều người từ các huyện miền xuôi của Nghệ An, lên định cư tại vùng đất Tân Kỳ. Cũng có một số người từ tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ vào sinh sống lập nghiệp tại đây. Tuy nhiên, số công nhân đồn điền này sống tập trung chủ yếu ở vùng Nghĩa Đàn, riêng ở Tân Kỳ số lượng không đông và chủ yếu cư trú ở khu vực quanh các đồn điền.

- Khi hòa bình lập lại, công cuộc tái thiết miền Bắc được thực hiện với nhịp độ khẩn trương. Ở nửa sau thập kỷ 50 và thập kỷ 60 của thế kỷ trước, theo tiến gọi của Đảng, nhiều nam nữ thanh niên ở các huyện miền xuôi Nghệ An tình nguyện lên xây dựng vùng nông trường và kinh tế mới ở vùng Phủ Quỳ xưa, trong đó có Tân Kỳ. Các nông trường Tây Hiếu, Nông trường Đông Hiếu, nông trường Cờ Đỏ, nông trường sông Con, nông trường An Ngãi, v.v… dần dần được thành lập. Ngoài lực lượng thanh niên Nghệ An tình nguyện, trong số hàng vạn công nhân nông trường ở vùng đất Nghĩa Đàn - Tân Kỳ còn có một lực lượng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơ ne vơ. Nông trường sông Con, nông trường An Ngãi ra đời trong bối cảnh lịch sử miền Bắc gấp rút xây dựng HTX, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 -1964). Ngoài ra, trên vùng đất Tân Kỳ ngày nay còn có một số lượng khá đông đảo nhân dân An Ngãi, nhân dân Vĩnh Linh, Cam Lộ, Do Linh,… ra sinh sống, lập nghiệp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một lần nữa vùng đất Tân Kỳ - Nghĩa Đàn được bổ sung một lực lượng dân cư khá đông đảo.

- Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương phân bố lại dân cư của Đảng, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh chủ trương đưa một số lượng lớn dân cư ở Nghệ An, Hà Tĩnh đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đắc Lắc và các huyện miền núi phía Tây Nghệ Tĩnh. Vùng đất Tân Kỳ là nơi dừng chân của nhiều hộ gia đình ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn… Chỉ trong vòng khoảng 20 năm (1975 - 1995), dân số Tân Kỳ tăng nhanh một phần do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao; kéo dài trong nhiều năm; một phần do di dân tự do.

- Từ năm 1995 đến nay, lực lượng di dân tự do lên Tân Kỳ ngày càng ít. Dân số ở Tân Kỳ tăng chậm vì thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch đạt được nhiều kết quả cao trong suốt nhiều năm. Tân Kỳ được coi là quê chung, quê của muôn quê.

- Từ khi chọn Tân Kỳ làm quê hương mới, những người dân sống ở đây dù ở Nam hay ở Bắc, dù ở các huyện miền xuôi Nghệ An hay dân bản địa đều đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cần cù sáng tạo cùng chung tay góp sức xây dựng, bảo vệ quê hương.

Về phát triển kinh tế

Tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt 7.579.802 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp ước đạt 2.326.454 triệu đồng, tăng 5,0% so với cuối năm 2021. Lĩnh vực công nghiệp xây dựng ước đạt 3.282.328 triệu đồng, tăng 13,2% so với năm 2021 (Trong đó giá trị sản xuất Công nghiệp-TTCN ước đạt 2.410.151 triệu đồng, tăng 15,4%). Lĩnh vực dịch vụ ước đạt 1.971.020 triệu đồng, tăng 10,9% so với năm 2021. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (Nông lâm ngư nghiệp chiếm 36,4%, giảm 1,5% so với năm 2021; Công nghiệp –xây dựng chiếm 30,7% tăng 0,9% so với 2021, các ngành dịch vụ chiếm 32,9%, tăng 0,6% so với 2021). Giá trị gia tăng bình quân đầu người ước đạt 44,2 triệu đồng, tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2021.

Lịch sử

- Huyện Tân Kỳ được thành lập ngày 19-4-1963 theo Quyết định 52-CP của Chính phủ trên cơ sở tách 10 xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Nghĩa Phúc, Tân Hợp, Tiên Đồng thuộc huyện Nghĩa Đàn và 3 xã: Kỳ Sơn, Phú Sơn, Hương Sơn thuộc huyện Anh Sơn.

- Khi mới thành lập, huyện Tân Kỳ có 13 xã: Giai Xuân, Hương Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Hợp, Nghĩa Phúc, Nghĩa Thái, Phú Sơn, Tân Hợp, Tiên Đồng.

- Ngày 17-4-1965, chia xã Tiên Đồng thành hai xã lấy tên là xã Tiên Kỳ và xã Đồng Văn.

- Ngày 15-4-1967, chia xã Nghĩa Thái thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Thái và xã Tân Xuân.

- Ngày 24-3-1969, thành lập xã Nghĩa Hành từ một phần các xã Hương Sơn, Kỳ Sơn, Phú Sơn; chia xã Nghĩa Phúc thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Phúc và Tân An; chia xã Nghĩa Hoàn thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Hoàn và Tân Long; chia xã Nghĩa Đồng thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Đồng và xã Tân Phú.

- Ngày 1-3-1988, chia xã Kỳ Sơn thành 3 đơn vị hành chính lấy tên là xã Kỳ Sơn, xã Kỳ Tân và thị trấn Tân Kỳ.

- Ngày 23-3-2005, thành lập xã Tân Hương trên cơ sở 1.557,50 ha diện tích tự nhiên và 4.219 nhân khẩu của xã Kỳ Sơn, 1.038 ha diện tích tự nhiên và 1.918 nhân khẩu của xã Nghĩa Hành, 532 ha diện tích tự nhiên và 954 nhân khẩu của xã Hương Sơn.

- Ngoài ra, huyện Tân Kỳ được thành lập có một ý nghĩa và tầm quan trọng nữa là: Vùng đất Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Anh Sơn có tiềm năng đất đai màu mỡ, rộng lớn chưa được“đánh thức”và dân cư thưa thớt, cần phải được quy hoạch lại, xây dựng thành các“pháo đài”, xây dựng các hậu cứ mới, vừa phát triển kinh tế kết hợp di dân và sơ tán dân vùng trọng điểm, nếu chiến tranh lan nhanh ra miền Bắc,... Với tầm nhìn chiến lược đó nên sau ngày thành lập huyện và quan trọng nhất là khi Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc năm 1964 đã có 2,2 vạn nhân dân huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương… lên lập các nông trang.

Hành chính

Huyện Tân Kỳ có 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn trực thuộc, bao gồm: Thị trấnTân Kỳ,Đồng Văn,Giai Xuân,Hương Sơn,Kỳ Sơn,Kỳ Tân,Nghĩa Bình,Nghĩa Đồng,Nghĩa Dũng,Nghĩa Hành,Nghĩa Hoàn,Nghĩa Hợp,Nghĩa Phúc,Nghĩa Thái,Phú Sơn,Tân An,Tân Hợp,Tân Hương,Tân Long,Tân Phú,Tân Xuân,Tiên Kỳ.

- Khai thác khoáng sản:Đá vôi, đá trắng, cát, sỏi…

- Tiềm năng phát triển du lịch huyện Tân Kỳ:Tân Kỳ là địa phương có cảnh quan thiên nhiên đẹp; là vùng đất có bề dày lịch sử; là quê hương của muôn quê nên vừa có sắc màu văn hóa bản địa, vừa có sự đa dạng văn hóa của nhiều vùng miền.Từ đó, tạo nên những ấn tượng cho bạn bè, du khách đến với Tân Kỳ. Với góc nhìn để phát triển du lịch, huyện Tân Kỳ hoàn toàn có thể đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch, gồm:Du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng; Du lịch sinh thái(danh lam-thắng cảnh), du lịch cộng đồng làng nghề kết hợp với các sản phẩm Nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Công tác xây dựng các sản phẩm du lịch đang từng bước được quan tâm đầu tư, quảng bá, thu hút lượng khách đến tham quan các điểm như: Di tích Quốc gia đặc biệt Km0-đường Hồ Chí Minh, hệ thống sông, hồ đập trên địa bàn, Thác Bồn xã Tân Hợp, cụm hang Thung Khiển, cây Sanh ngàn tuổi, khe Xanh ở xã Nghĩa Phúc, Tân An…

- Từ năm 2017, UBND huyện xây dựng đề án du lịch cộng đồng xã Tiên Kỳ nhằm phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Đến nay, công tác xây dựng 03 mô hình du lịch Homstay tại 02 bản Phẩy-Thái Minh và bản Chiềng đã hoàn tất; các hạng mục liên quan như xây dựng tuyến đường bê tông vào các bản, phục dựng lễ hội Bươn Xao, củng cố đội múa cồng chiêng, múa sạp, tổ nấu ăn phục vụ du lịch, hình thành đội đan lát mây tre truyền thống…từng bước phục vụ đón tiếp khách tham quan làng du lịch cộng đồng. Hiện nay, bà con đồng bào Thái ở Tiên Kỳ đã chủ động đón tiếp được khách du lịch và du khách đến với Tiên Kỳ ngày càng nhiều.

Tài nguyên đất

- Theo số liệu thống kê của UBND huyện Tân Kỳ, trên địa bàn huyện, hiện tại có các nhóm đất chính sau đây:

- Nhóm đất phù sa: Đất phù sa được bồi đắp hàng năm có diện tích: 3.084ha, chỉ chiếm 4,23% diện tích đất tự nhiên của huyện. Toàn bộ diện đất đất phù sa phân bố dọc theo đôi bờ tả hữu sông Con, hay nói cách khác, những cánh đồng phù sa này là sản phẩm mà dòng sông Con đem ban tặng cho các thế hệ cư dân ở Tân Kỳ. Đất có độ phì nhiêu cao, được sử dụng từ lâu vào việc trồng mía, lạc, ngô, đậu, rau, bầu bí,v.v.. mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, do phân bố dọc bờ sông Con nên về mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, mang phù sa bồi đắp, nhưng cũng làm ngập chìm các loại cây trồng.

- Đất phù sa không được bồi đắp thường xuyên, có độ Glây mạnh, phân bố ở các xã Đồng Văn, Tiên Kỳ, Nghĩa Phúc,v.v.. với tổng diện tích là 342ha. Loại đất này thích hợp cho việc trồng lúa và một số loại cây rau màu khác.

- Đất phù sa không được bồi chua, Glây yếu, có diện tích 3.640 ha, chiếm 4,99% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Diện tích đất này phân bố chủ yếu ở các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Phúc, Tân Xuân, Giai Xuân.

- Đất phù sa có nhiều sản phẩm Feralít có diện tích 3,731 ha, chiếm 5,12% diện tích tự nhiên toàn huyện, được phân bố chủ yếu ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Loại đất này chủ yếu để trồng lúa và nếu giải quyết tốt nguồn nước tưới có thể trồng từ 2 - 3 vụ trong năm.

- Nhóm đất vàng: Đất nâu vàng phát triển trên nền phù sa cổ, với 1.312 ha, chiếm 1,8% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Loại đất này phù hợp cho việc trồng cây ăn quả như: cam, dứa, cà phê,v.v…

- Nhóm đất lúa vàng vùng đồi núi:

+ Đất Feralít biến đổi do trồng lúa có diện tích 1.470ha, chiếm 2,02% diện tích tự nhiên, loại đất này chủ yếu là ruộng bậc thang, thường chỉ trồng lúa 1 vụ/năm, cho năng suất không cao.

+ Đất dốc tụ có 75 ha, chiếm 0,1% diện tích tự nhiên của huyện.

- Nhóm đất Fera lít đỏ vàng miền núi bao gồm các loại: đất Feralít đỏ vàng trên đá kết, có diện tích 1.242 ha… Đất Feralít đỏ vàng trên phiến thạch có: 2.311 ha, chiếm 3,1% diện tích tự nhiên. Đất Feralít đỏ vàng trên đá Mác ma axít có: 6.196ha, chiếm 8,5% diện tích tự nhiên toàn huyện. Đất Feralít phát triển trên nền đá vôi có 8.332 ha, chiếm 11,43% diện tích đất tự nhiên. Nhóm Feralít xói mòn trơ sỏi đá có 1.150ha, chiếm 1,58% đất tự nhiên.

- Nhóm đất đen gồm có các loại: Đất đen trên Tuýp có 1.841 ha, chiếm 1,51% đất tự nhiên. Đất đen trên đá Các bon nát có 1.104 ha, chiếm 1,51% đất tự nhiên toàn huyện. Đất Feralít đỏ vàng ở vùng đồi núi thấp có các loại: đất Feralít đỏ vàng trên phiến sét có 563ha chiếm 0,77% đất toàn huyện, chủ yếu để phát triển nông nghiệp; đất Feralít đỏ vàng trên đá cát kết có 3.286 ha, chiếm 4,5% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Loại đất này độ mùn thấp, chủ yếu để trồng cây gây rừng[1].

- Nguồn tài nguyên đất đai ở Tân Kỳ nhìn chung là khá phong phú, đa dạng về chủng loại, song ngoài phần đất phù sa dọc sông Con, còn các loại đất khác phần do khai thác sử dụng lâu dài nên bạc màu, phần do xói mòn rất khó để phát triển cây trồng. Một diện tích lớn đất đai lại rất khó khăn trong việc chủ động nguồn nước tưới, do đó, về mùa khô hanh, nắng hạn, tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng, rất khó cho việc thâm canh tăng vụ. Hiểu rõ tình trạng đất đai ở Tân Kỳ, khi đặt chân đến vùng Lèn Rỏi, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp,… hay vùng Tân Xuân, Giai Xuân, nhìn những cánh đồng lúa, mía, ngô, lạc, ớt, sắn, khoai, bầu bí, hay những cánh rừng tràm xanh ngát, ta mới hiểu hết những nỗ lực của các cấp chính quyền để cùng nhân dân biến đất cằn khô sỏi đá thành những cánh đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao để từng bước thoát khỏi đói nghèo, đưa Tân Kỳ vươn lên trở thành một vùng quê đẹp về phong cảnh, giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội và có đời sống dân trí ngày càng cao.

Tài nguyên nước

- Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa hàng năm bình quân lên tới 2000 - 2200mm, nên lượng nước trên bề mặt ở Tân Kỳ khá dồi dào. Sông Con chảy qua địa bàn huyện có chiều dài 65km góp phần không nhỏ trong việc cung cấp điều hòa lượng nước. Đó là chưa kể tổng chiều dài các khe suối đổ nước về sông Con trên địa bàn huyện là khoảng 400km cũng góp một phần quan trọng trong việc duy trì nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Trong số hàng chục khe suối lớn nhỏ, có 06 con suối nước chảy quanh năm là: khe Lòa, khe Lá, khe Sanh, khe Thiềm, khe Thần và khe Cừa.

- Kể cả sông Con và các khe suối ở Tân Kỳ thường có chung một điểm là lòng hẹp, dốc, do đó, về mùa mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết, rất khó khăn trong việc đi lại, thậm chí còn gây ngập úng sạt lở nguy hiểm. Về mùa hanh khô và mùa nắng nóng, lượng nước nhỏ, nhiều cồn, đụn cát chạy dài ngay giữa lòng sông, cản trở việc thông thương đi lại. Nhìn chung, sông Con không tạo ra một tuyến đường thủy quan trọng trên địa bàn mà chỉ có giá trị trong việc cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Để có thể phát triển sản xuất, ổn định đời sống bền vững, lâu dài cho nhân dân, trong suốt thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương cùng nhân dân phát huy tính chủ động, khai thác nguồn nội lực, tranh thủ mọi sự đầu tư giúp đỡ của tỉnh và Trung ương, xây dựng cả một hệ thống hồ đập ở nhiều xã với tổng trữ lượng nước là 47,22 triệu m3. Nhờ hệ thống hồ đập nhân tạo này mà vấn đề nước tưới phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn các xã từng bước đi vào thế chủ động. Nguồn nước ngầm ở Tân Kỳ tương đối dồi dào, chỉ trừ hai xã là Tân Hợp và Giai Xuân, qua khảo sát thực tế, nguồn nước ngầm thấp, gây không ít khó khăn trong việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ đời sống dân sinh.

- Công tác nghiên cứu, thăm dò nguồn nước khoáng có sẵn trong thiên nhiên trên địa bàn huyện đã và đang tiếp tục được tiến hành. Theo kết quả sơ bộ của các nhà địa chất, ở độ sâu khoảng 250 - 300m vùng giáp với Quỳ Hợp và khu vực dọc theo Lèn Rỏi có nguồn nước tốt. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi đó sẽ là một nguồn tài nguyên quý, góp phần vào việc phát triển kinh tế huyện trong những năm tới.

Tài nguyên rừng

- Theo tài liệu của người Pháp để lại, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phần lớn diện tích đất đai ở địa bàn Tân Kỳ ngày nay là những cánh rừng nguyên sinh với đủ loại gỗ quý như: lim, dổi, vàng tâm, kiền kiền, đinh hương, dạ hương,… đến các loại tre, nứa, mét, mây, song. Các loại cây dược liệu để làm thuốc,... Dưới tán rừng là đủ loại chim thú từ voi, hổ, báo, bò rừng, trâu rừng, lợn rừng,… đến các loại chồn, cáo, trăn, rắn, chim muông.

- Sau khi phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương của các văn thân sĩ phu yêu nước tổ chức và lãnh đạo thất bại (1885 -1895), một bộ phận người Thái từ Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy,… Thanh Hóa, người Thổ đến định cư ở vùng Liên Hoàn xưa cho đến vùng Tân Xuân, Giai Xuân. Họ khai thác các loại gỗ quý ở những cánh rừng dọc sông Con để làm nhà sàn, trong đó có những cây cao tới 30 - 40m, đường kính từ 1,5 - 2,5m. Vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước số người Kinh từ các huyện Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương,… lên định cư ở vùng đất Tân Kỳ ngày càng đông. Thêm vào đó là việc một số điền chủ người Pháp đến vùng đất Phủ Quỳ và Tân Kỳ ngày nay để chiếm hữu đất đai, lập đồn điền trồng cao su, cà phê,… Họ đã phải thuê mướn người dân sở tại khai phá rừng rậm, sau đó, chiếm hữu hàng ngàn ha đất đai để trồng cao su, cà phê, trồng đay, ngô,… đem về Bến Thủy xuất khẩu kiếm lời. Vùng đất phù sa dưới chân Lèn Rỏi lên đến vùng Cừa (Nghĩa Hoàn ngày nay) có đồn điền của người Pháp, nhưng không ít nhân công đã bỏ mạng hoặc phải bỏ về quê vì khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét, vàng da,… hoành hành.

- Nguồn lợi gỗ, tre nứa, mét,… ở những cánh rừng dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn chạy qua Tân Kỳ ngày nay, hay ở khu vực Lèn Rỏi, Nghĩa Hoàn đến Tân Xuân, Giai Xuân,… được nhân dân ở vùng đất Tân Kỳ và cả một số người ở Thanh Chương, Đô Lương,… ngày nay khai thác để làm nhà và kết bè theo dòng sông Con, xuôi ra sông Lam đem về xuôi để trao đổi buôn bán. Ngay như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, để phục vụ cho chiến dịch Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ (1953 -1954), tỉnh Nghệ An huy động hàng vạn dân công lên mở đường Lâm La - Kẻ Bàng để vận chuyển lương thực, thực phẩm,… từ hậu phương Nghệ An ra phục vụ chiến trường thì vùng đất Tân Kỳ - Nghĩa Đàn ngày nay cho đến tận vùng Như Xuân (Thanh Hóa) vẫn còn bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh, do đó có câu: “Muỗi Lâm La, ma Kẻ Bàng” là để chỉ vùng rừng thiêng nước độc với bệnh sốt rét, bệnh vàng da.

- Do khai thác quá mức, nhất là vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, diện tích rừng nguyên sinh ở Tân Kỳ ngày càng thu hẹp dần. Trước thực trạng đó, trong vòng hơn 3 thập kỷ qua các cấp chính quyền và nhân dân địa phương đã làm tốt công tác giao đất, giao rừng để nhân dân khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng mới rừng trên những vùng đất trống đồi trọc ở tất cả các xã trên địa bàn huyện. Đến năm 2016, diện tích đất lâm nghiệp của huyện lên tới 34.974 ha, chiếm tới 48,2% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Trong đó, độ che phủ của rừng năm 2017 đã đạt đến 37,55.Công tác giao đất, giao rừng ở Tân Kỳ được tiến hành sớm, nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân trên địa bàn tất cả các xã, nhờ đó, độ che phủ của rừng tăng nhanh, liên tục trong nhiều năm. Hiện nay, có nhiều hộ dân ở Nghĩa Dũng, Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân,… đang nhận khoanh nuôi, bảo vệ từ 5 - 25 ha rừng. Nhiều cánh rừng Keo tràm, Bạch đàn đã cho thu hoạch. Các chủ rừng bắt đầu có được nguồn lợi ổn định từ rừng. Thời gian từ 2015-2021 ngoài việc phát triển rừng Keo tram, Bạch đàn,… nhân dân Tân Kỳ đang khôi phục lại những cánh rừng tái sinh, trồng mới lát hoa, dổi,… và chỉ trong khoảng vài thập kỷ tới số diện tích rừng tái sinh này sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Đây thực sự là một hướng đi đúng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Kỳ từ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn huyện theo mô hình: Nông - Lâm nghiệp kết hợp mà đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.

Tài nguyên khoáng sản

- Theo kết quả khảo sát, thăm dò của phòng Tài nguyên môi trường huyện Tân Kỳ và Sở Tài nguyên môi trường Nghệ An, hiện tại, nguồn tài nguyên khoáng sản ở Tân Kỳ tập trung chủ yếu vào một số loại sau đây:

- Đá Vôi: phân bố chủ yếu ở khu vực Lèn Rỏi, có trữ lượng khoảng 2,8 tỷ tấn. Đá vôi ở Lèn Rỏi có chất lượng tốt để sản xuất xi măng. Trong thời gian qua, một số mỏ đá vôi đã được cấp phép để khai thác nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng nhà cửa, cầu cống, đường giao thông,… trên địa bàn huyện. Quy mô của các mỏ đá tương đối nhỏ, sản lượng khai thác hàng năm đủ đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện.

- Mỏ đất Sét ở Lèn Rỏi: có trữ lượng khoảng 760 triệu tấn. Loại đất sét này cung cấp cho các nhà máy xi măng để làm chất phụ gia.

- Ngoài ra còn có một số khoáng sản như cát, sạn dọc sông Con, các khe suối, đá Granít, đá trắng,… ở Đồng Văn, Tiên Kỳ, Tân Hợp, Tân Phú và một số địa phương khác.

- Thiên nhiên không có sự ưu đãi đặc biệt cho các thế hệ cư dân sinh sống và lập nghiệp ở vùng đất Tân Kỳ xưa và nay. Song với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, từ bao đời nay các thế hệ người Kinh, người Thái, người Thổ sống trên vùng đất Tân Kỳ đã chung lưng đấu cật khai phá núi rừng, cải tạo đồng chua phèn, ruộng bậc thang, ngăn chặn lũ lụt, đào kênh mương dẫn nước, tưới tiêu cho đồng ruộng,… dựng làng, lập bản, chống chọi với rừng thiêng nước độc, bệnh tật thú dữ,… từng bước tạo lập cuộc sống. Mồ hôi, trí tuệ của lớp lớp cha ông đã biến những bãi bồi dọc sông Con, những cánh đồng bậc thang dọc các thung lũng núi và cả những sườn đồi núi dốc,… thành những cánh đồng lúa 2 - 3 vụ trong năm, những bãi mía, nương ngô, đồng lạc, đậu,v.v… và cả những cánh rừng xanh ngát màu xanh của cuộc sống. Đất và người Tân Kỳ xưa và nay gắn kết, thủy chung và chính trên vùng đồi núi điệp trùng ấy các thế hệ cư dân tiếp nối đã, đang viết nên những bài ca lao động sáng tạo để đưa Tân Kỳ vững bước đi tới trên bước đường hội nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới.

Giao thông

- So với một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An, huyện Tân Kỳ có hệ thống đường bộ khá phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong hệ thống đường bộ ở Tân Kỳ, có các tuyến đường chính yếu sau đây:

- Đường Hồ Chí Minh -“con đường huyền thoại”chạy qua Tân Kỳ có chiều dài 38km cho phép đi từ thị trấn Lạt ra thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc một cách thuận lợi. Nếu đi theo hướng, người ta có thể dễ dàng đi từ km 0 ở thị trấn Tân Kỳ vào hầu hết các tỉnh phía.

- Đường tỉnh lộ 545 nối Tân Kỳ - Đô Lương - Nghĩa Đàn, đoạn chạy qua địa phận Tân Kỳ dài 28km, nối liền với quốc lộ 7 với quốc lộ 48. Tân Kỳ ngày nay, đi từ km 0 về Đô Lương, sau đó có thể ngược lên Anh Sơn, Con Cuông,... theo đường quốc lộ 7; hoặc từ đó theo quốc lộ 7 về Diễn Châu đi vào Vinh với chiều dài khoảng 100km. Người ta cũng có thể đi từ Km 0 về Đô Lương, sau đó đi về Nam Đàn, Hưng Nguyên, Vinh, qua dốc Truông Bồn huyền thoại với tinh thần quả cảm của 13 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống trước bom đạn kẻ thù và cả hàng ngàn thanh niên xung phong anh dũng bám đường, thông xe trên tuyến đường chiến lược nối Tân Kỳ - Đô Lương - Nam Đàn - Đức Thọ - Can Lộc,… trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

- Đường liên xã nối từ huyện lỵ Tân Kỳ đi các xã trên địa bàn, và từ các xã trong vùng, có 11 tuyến, với tổng chiều dài gần 200km, phần lớn đã được rải nhựa, hoặc bê tông, cóchiều rộngtừ 4 - 8m đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giao lưu văn hóa, phục vụ sản xuất và khá thuận lợi cho các phương tiện cơ giới chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng,… Các tuyến đường này còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh.

- Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong khoảng 20 năm qua, các tuyến đường liên xã, liên thôn trên địabàn huyện được mở rộng từ 4,5m - 6m, nhiều tuyến đường được bê tông hóa không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn ở Tân Kỳ. Trong đó, tuyến đường từ thị trấn Lạt lên Cừa, đi vào các xã vùng cao của huyện thực sự là một huyết mạch giao thông quan trọng.

Di tích

- Công tác bảo vệ giữ gìn di tích cũng được đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Sở VH&TT và Ban Quản lý di tích Nghệ An, BQL các di tích thực hiện nâng cấp, tu bổ tôn tạo các di tích đình Làng Sen, đình Làng Dụng, đền Song Đồng Ngọc Nữ, đền Đức Ông, đền Khe Xanh, đền Vạn, chùa Bục… và tổ chức vận động nguồn xã hội hóa phục dựng đền thờ Nghĩa quân Lê Lợi.

- Tân Kỳ có 6 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Trong đó, có 01 di tích cấp quốc gia (Km0), 05 di tích cấp tỉnh (Di tích lịch sử Đình Sen, Đền Song Đồng Ngọc Nữ, Đình Làng Dũng, Đền Đức Ông, Thành Lê Lợi và Đền thờ Lê Thái Tổ), 01 lễ hội cấp huyện (Lễ hội Bươn Xao – xã Tiên Kỳ).

- So với một số huyện, thành khác trong tỉnh thì số lượng di tích lịch sử văn hóa, danh thắng ở Tân Kỳ hết sức khiêm tốn. Đình làng Sen nay thuộc xã Nghĩa Đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa lớn khi nghiên cứu về đời sống của nhân dân làng xã ở Tân Kỳ trước đây. Sự xuất hiện của đình làng Sen cho biết ít nhiều về mối liên hệ giữa các làng xã ở Tân Kỳ với các làng xã ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương,… mà các nhà nghiên cứu vẫn thường gọi là văn hóa làng xã ở một huyện miền núi. Đáng tiếc, cho đến nay, việc nghiên cứu về những giá trị văn hóa truyền thống của cư dân làng xã ở Tân Kỳ đang hết sức khiêm tốn, cần có sự vào cuộc của nhiều nhà nghiên cứu sử học, dân tộc học, khảo cổ học, xã hội học, văn hóa dân gian,… để phục dựng lại bức tranh làng xã ở vùng đất này.

- Cùng với thời gian huyền thoại về tuyếnđường Trường Sơn(đường Hồ Chí Minhngày nay) đang thực sự trở thành một đề tài nghiên cứu hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu khoa học lịch sử. Đây cũng là một trong những nội dung có ý nghĩa hết sức đặc biệt để giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống của cha anh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, gian khổ, đầy hy sinh. Cột mộc số 0 ở thị trấn Lạt đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia và thực sự là một điểm đến đầy hấp dẫn, thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Điểm mốc lịch sử này chính là sự khởi đầu cho một Tuor du lịch đầy thú vị và hấp dẫn với các di tích: Cột mốc số 0 ở Tân Kỳ - dốc Truông Bồn với huyền thoại về các nữ thanh niên xung phong ở Đô Lương - phà Nam Đàn - Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh),v.v… Nếu biết phát huy Tuor du lịch này sẽ hội đủ 3 yếu tố: Du lịch sinh thái - Du lịch lịch sử văn hóa - Du lịch tâm linh. Nếu mở ra hướng bắc có di tích khảo cổ nổi tiếng ở làng Vạc (Nghĩa Đàn). Trên tuyến du lịch đó, du khách có thể hiểu thêm về thời kỳ văn hóa Đông Sơn, ngắm nhìn núi non hùng vĩ, thơ mộng, nhớ về nơi khởi đầu cho một tuyến đường huyền thoại, thắp hương tại đền thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang ở Quả Sơn (Đô Lương) một trong bốn đền thờ thiêng nhất ở Nghệ Tĩnh, nghiêng mình trước sự hy sinh của các thanh niên xung phong ở Truông Bồn, về Nam Đàn thăm đền thờ vua Mai, nhà lưu niệm chí sĩ Phan Bội Châu và quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh,v.v…

- Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, nếu lấy cột mộc số 0 ở thị trấn Lạt đi về phía Bắc đến tận thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác ở phía Bắc, có thể thiết kế nhiều Tuor du lịch hấp dẫn, thú vị với mọi tầng lớp, lứa tuổi. Các Tuor du lịch từ cột mốc số 0 đi về hướng cũng hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều điều thú vị.

- Khu vực Lèn Rỏi, Lèn Chùa,… đến Tiên Kỳ, Tân Xuân, Giai Xuân,… núi non trùng trùng điệp điệp, có nhiều hang động kỳ thú, nhiều di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá khứ dựng nước và giữ nước của cha ông từ thời Lý - Trần, hay dấu tích những năm tháng mới chuyển vào hoạt động trên đất Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn,v.v… hoặc các làn điệu dân ca của đồng bào Thái như: hát Khắp, hát Lăm, hát Nhuôn,… hát nhà Tơ, hát tập Tềnh, tập Tàng,… của đồng bào Thổ, hát ví dặm, hát giao duyên của người Kinh,… với nhiều điều thú vị, hấp dẫn cả về nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, văn minh mà ông cha từ ngàn xưa tạo nên sẽ mang lại nhiều sự đam mê, khám phá và làm hài lòng du khách.

- Trong bức tranh chung của ngành du lịch Nghệ An, du lịch Tân Kỳ vẫn ở dạng tiềm năng và triển vọng là chủ yếu, chưa trở thành một ngành kinh tế độc lập mang lại nhiều lợi ích như một số địa phương khác. Tân Kỳ có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử kết hợp với du lịch tâm linh và không tách Tân Kỳ ra khỏi một vùng không gian đầy tiềm năng ở miền tây Nghệ An để phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài. Mà phải đặt Tân Kỳ trong một không gian văn hóa rộng lớn vừa có đủ yếu tố văn hóa núi vừa có yếu tố văn hóa đồng bằng, đó là chưa kể sự đa dạng trong sắc thái văn hóa bản địa của từng vùng miền trong huyện.

 

 

In bài|Đầu trang

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN KỲ
 
image

Tin tức
  • Vẻ đẹp thiên nhiên của thác bồn Tân Hợp
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement