Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tất cả mọi mặt đặc biệt là kinh tế, nhiều hộ dân phải lao đao tìm đường ra cho sản phẩm của mình sản xuất ra.
Sống và chiến đấu với dịch bệnh người dân cũng nỗ lực cố gắng sản xuất để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Gần đây, trên địa bàn huyện Tân Kỳ, Về loại hình kinh doanh dịch vụ nổi lên dịch vụ hồ câu cá thu hút lượng lớn người dân trên địa bàn.
Có nhiều hồ câu dịch vụ giải trí phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp người dân. Đặc biệt, mới đây, tại xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ phát triển 2 hồ câu giải trí lớn là hồ câu của gia đình chị Dung tại xóm Viên Thái và hồ câu gia đình anh Thủy xóm Bích Thái với tổng diện tích mỗi hồ hơn 2 ha.
Chủ hồ câu anh Thủy xóm Bích Thái xã Nghĩa Thái cho biết : với hiện tích hơn 2,7 ha, ao này ngày trước gia đình tôi thầu nuôi cá, nhưng thời gian gần đây đầu ra cho cá khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 công với đến mùa mưa bão có năm bể bờ cá đi hết gia đình thất thu. Băn khoăn trăn trở một thời gian chúng tôi nghĩ đến phương án muốn bám trụ với hồ ao phải thay đổi phương thức kinh doanh ngay trên chính hồ ao này. Hiểu được tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, tránh tụ tập đông người nên gia đình tôi nghĩ đến phương án kinh doanh đưa loại hình dịch vụ câu cá để phục vụ cho khách hàng có nhu cầu giải trí và thư giãn mà không cần tập trung đông người và đảm bảo khoảng cách an toàn”.
Câu cá là một thú vui dân dã, một niềm say mê của mọi lứa tuổi, nhất là những ai muốn tránh nơi ồn ào náo nhiệt. Đây là một cách để giải tỏa căng thẳng, giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, người dân tìm đến đây với khung cảnh thôn quê bình dị, khí hậu trong lành mát mẻ làm tâm trạng thoải mái, gác lại lo âu công việc và tận hưởng cảm giác khi thưởng thức thành quả do mình câu được.
Anh Thủy chủ hồ câu xóm Viên Thái cho biết: “Gần đây, gia đình gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19, cá nuôi nhiều chẳng xuất được, lúc xuất thì bán tháo lại bị thương lái ép giá, bán hết chẳng đủ tiền vốn. Vợ chồng tôi đã bàn bạc và quyết định mở dịch vụ hồ câu để tìm một hướng kinh doanh khác trên chính thành phẩm của mình”.

Ở trong các hồ ao của mình, các chủ hồ thả đủ các loại cá như: cá rô phi, cá trắm, các trôi, cá gáy,….Thời gian đầu khi lương khách còn ít, lượng cá dưới ao mà các chủ hồ nuôi vẫn đủ cung cấp cho những lượt khách đến câu. Càng về sau này, khi người biết đến nhiều hơn, số cần thủ đến câu ngày một nhiều hơn, các chủ hồ đã liên hệ với các hồ nuôi các ở các xã lân cận như xã Tân Phú, xã Nghĩa Bình để lấy nguồn cá, một mặt vừa đáp ứng nhu cầu dịch vụ vừa giúp tiêu thụ nông sản. Anh Nguyễn Văn Ân, một cần thủ tại xã Tân Phú khi đến hồ câu cho hay: “Anh tranh thủ lúc tan làm hoặc những ngày nghỉ đến các ao dịch vụ này câu cá để thư giãn. Lúc đầu nhằm mục đích giải trí nhưng dần dân trở nên “nghiện”. Đi câu cá chỉ có lợi chứ không có hại, lợi trước hết là vui vẻ, phấn khởi, thứ hai là mỗi lần xách giỏ ra đi đều mang về nhà những chú các to béo giúp vợ đổi vị bữa ăn gia đình”.

Đến các hồ câu dịch vụ, ngoài tiền câu là 50.000đ/2giờ chủ hồ câu còn thu lợi nhuận từ tiền nước uống nên dù người câu câu được nhiều cá họ vẫn còn tăng doanh thu từ phục vụ nước giải khát. Nói là câu giải trí nhưng lượng cá chủ hồ thả vẫn dày nên các cần thủ nhiều khi mang về nhiều hơn số tiền mà họ bỏ ra nên càng hút được nhiều khách tới hơn.
Có thể thấy, việc kinh doanh dưới dạng vui chơi giải trí là một loại hình ngày càng thu hút khách. Người dân đã ứng phó nhanh nhạy trước tình hình dịch bệnh, thay đổi phương thức kinh doanh để giải bài toán khó trong đại dịch. Với tình hình khả quan hơn trong thời gian tới hi vọng có nhiều hơn nữa các hộ kinh doanh nhanh nhạy linh hoạt ứng biến tốt để phát triển kinh tế ổn định vượt qua khó khăn khi tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến khó lường.
Dương Lài
UBND xã Tân Phú