ĐĂNG NHẬP  
image banner
Thành công mô hình bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể dân tộc Thái tại xã Tiên Kỳ huyện Tân Kỳ

Nằm cách cửa ngõ huyện Tân Kỳ gần 30 km, xã Tiên Kỳ được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ sinh thái đa dạng, núi non hùng vĩ và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, hiện dân số toàn xã có hơn 6 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 86%. Nơi đây có đỉnh núi Pù Loi cao 1.100m so với mực nước biển, có Hang Mó độc đáo, hoang sơ, kỳ thú; Đặc biệt có lễ hội Bươn Xao đã được công nhận là lễ hội cấp huyện nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân. Thời gian qua cấp ủy chính quyền và bà con nhân dân xã Tiên Kỳ đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần làm cho mô hình du lịch cộng đồng ở Tiên Kỳ ngày càng phát triển, thu hút du khách gần xa tới tham quan, trải nghiệm.

Thực hiện dự án “Bảo tồn phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc dự án 6 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2030. Sau khi tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê và thu thập thông tin tại 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An đã lựa chọn huyện Tân Kỳ để thực hiện mô hình tìm hiểu văn hoá đặc thù của dân tộc Thái, bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể về dân tộc Thái tại xã Tiên Kỳ.

Anh-tin-bai

Các tiết mục văn nghệ mạng đậm bản sắc đồng bào dân tộc nơi đây

Bà Võ Thị Hoan- Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết. Sau khi được Sở văn hóa thể thao tỉnh giao nhiệm vụ, Trung tâm văn hóa tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát tại 11 huyện miền núi trong tỉnh. Đến với xã Tiên Kỳ, địa phương có đông đồng bào dân tộc Thái , có lễ hội Bươn xao, có đền thờ Lê Lợi, có làng nghề dệt thổ cẩm và nhiều cảnh quan đẹp để phát triển du lịch cộng đồng, nên chúng tôi đã chọn xã Tiên Kỳ để xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể dân tộc Thái”.

Để xây dựng và phát huy mô hình, Trung tâm văn hoá tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tân Kỳ, tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá đặc thù của dân tộc Thái, bảo vệ và phát huy văn hoá phi vật thể về dân tộc Thái tại xã Tiên Kỳ. Tại đây, các học viên đã được tiếp thu các chuyên đề, như nguồn gốc và một số tập tục sinh hoạt của đồng bào Thái; Bảo tồn và phát huy bản sắc các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Nghệ An; Các kỹ năng dẫn chương trình và đón khách du lịch. Tham gia tập luyện các tiết mục dân ca, dân nhạc, dân vũ. Qua đó nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong hoạt động thực nghiệm dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Thái cho già làng, trưởng bản, các nghệ nhân diễn viên, các hội viên của các đội văn nghệ, câu lạc bộ và những người có năng khiếu về văn hoá, văn nghệ của xã Tiên Kỳ.

Anh-tin-bai

Tiết mục văn nghệ đặc trưng của đồng bào thái

Chị Lô Thị Đông ở Bản Chiềng, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ vui mừng nói, “ Tôi thấy lớp tập huấn rất bổ ích, qua đây tôi không chỉ học lý thuyết mà được học thực hành, được múa hát nhảy sạp đánh cồng chiêng khắc luống, thời gian tới chúng tôi có thể góp phần vào phát triển du lịch cộng đồng nơi đây”.

Ông La Văn Canh- Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ- Tân Kỳ cho biết. Trong quá trình chuẩn bị chúng tôi đã chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn các cấp để khảo sát lên danh sách các nghệ nhân, các hạt nhân văn nghệ, chuẩn bị các đạo cụ, nhạc cụ phục vụ cho hoạt động của mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Sau khi nghiệm thu mô hình này chúng tôi có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch duy trì hoạt động và xây dựng câu lạc bộ khắc luống, nhảy sáp, dân ca, dân nhạc, dân vũ để phục vụ hoạt động văn hoá tại các sự kiện chính trị lớn của địa phương cũng như phục vụ du khách tham quan trại nghiệm du lịch cộng đồng tại xã nhăm tăng thu nhập cho bà con.

Anh-tin-bai

Du khách tham gia trải nghiệm Làng nghề dệt thổ cẩm ở Bản Thái Minh xã Tiên Kỳ

Đặc biệt kết thúc lớp tập huấn, các học viên đã tham gia xây dựng thành công 1 chương trình văn nghệ trải nghiệm để báo cáo tại lễ bế mạc. Mặc dù trong thời gian ngắn, nhưng với sự quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện của huyện Tân Kỳ, của xã Tiên Kỳ; các cán bộ hướng dẫn, giảng viên, cùng với các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa, văn nghệ xã Tiên Kỳ đã rất nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm cao, cố gắng nghiêm túc luyện tập, để lớp tập huấn đạt được kết quả tốt.

Chị Bùi Thị Hiển ở Bản Phẩy Thái Minh xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ chia sẻ. “ Trước đây hoạt động văn hóa văn nghệ ở xã ở xóm rất bình thường, các điệu múa dân tộc tự biên tự diện, nay được tập huấn thì các tiết mục múa hấp dẫn hơn, học nhiều điều múa, động tác hơn, chị em rất thích thú”. 

Anh-tin-bai

Bà con dân tộc thái đang tiến hành đan bền khung dệt truyền thống

Với vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng du lịch về văn hóa lịch sử, thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, độc đáo, do vậy địa phương xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn và chú trọng phát triển để tạo thương hiệu cho địa phương nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung. Đến với Tiên Kỳ, mọi người còn được thưởng thức các món ăn độc đáo hấp dẫn, mang đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây như: cơm lam, măng loi, rau rừng, rượu cần, thịt ướp chua, cá suối nướng, khàu và đặc biệt nhất là món bánh Mọoc. Cùng trải nghiệm làng nghề dệt Thổ cẩm tại Bản Phẩy Thái Minh, đây là bản duy nhất của huyện Tân Kỳ được công nhận làng nghề dệt thổ cẩm. Tham gia lễ hội lớn của người Thái là lễ hội Bươn Xao được tổ chức vào dịp 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội gắn với di tích Thành Lê Lợi, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân địa phương, di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2023.

Anh-tin-baiDu khách tham quan và dâng hương đền thơ Lê lợi

Ông Hoàng Xuân Hạnh, Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Tân Kỳ. “ Với tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú thì xã Tiên Kỳ trong thời gian qua được tỉnh chọn xây dựng mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng, giữ gìn phát huy văn hóa phi vật thể, để có được điều đó, thời gian qua Phòng văn hóa thông tin đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện 1 số nội dung cụ thể thứ nhất là xây dựng các chương trình, đề án kế hoạch cụ thể để triển khai phù hợp với tình hình thực tế, thứ hai là phối hợp với các sơ ban ngành cấp trên và các phòng ban ngành cấp huyện để triển khai các dự án về hạ tầng, về các dịch vụ du lịch, các mô hình Homstay, đặc biệt là phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An triển khai các lớp tập huấn dân ca dân nhạc dân vũ để cụ thể hóa vào các sản phẩm trải nghiệm du lịch cộng đồng xã Tiên Kỳ, góp phần tạo sinh kế cho bà con nơi đây”.

Tiên Kỳ, một vùng quê mang nhiều trầm tích từ thuở khai thiên lập địa, là nơi Lê lợi dừng chân chiêu binh, xây thành, giữ yên bờ cõi, nơi mà mỗi tên đất tên làng đều thấm đẫm bản sắc đặc trưng của đồng bào Thái, tài hoa, hồn hậu, lắng đọng nghĩa tình. Vùng quê ấy hôm nay đang từng ngày khởi sắc bởi tiềm năng du lịch đang được đánh thức, nhất là sau khi thực hiện mô hình tìm hiểu văn hoá đặc thù của dân tộc Thái, bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể dân tộc Thái do Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An chủ trì sẽ giúp địa phương duy trì và phát huy câu lạc bộ dân ca dân nhạc dân vũ hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn để vừa nâng cao đời sống tinh thần, vừa thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, trở thành một điểm đến hấp dẫn, mến yêu trong lòng du khách và bè bạn xa gần./.

Cẩm Tú

Trung tâm VHTT và TT Tân Kỳ 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN KỲ
 
image

Tin tức
  • Vẻ đẹp thiên nhiên của thác bồn Tân Hợp
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement