Hiệu quả từ hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuấtLàng nghề sản xuất ngói Cừa xã Nghĩa Hoàn - huyện Tân Kỳ là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Nghệ An. Trải qua quá trình phát triển, thương hiệu ngói Cừa đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nhiều khâu trong quy trình sản xuất ngói của làng nghề vẫn còn đang thực hiện thủ công nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, dẫn tới giá ngói bán ra thấp hơn một số loại ngói khác trên thị trường. Với mục tiêu tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, hướng tới khai thác hết tiềm năng đất đai, lợi thế vùng nguyên liệu, nâng cao đời sống người lao động, Ban quản lý Hợp tác xã (HTX) Nghĩa Hoàn đã tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ (TBKH-CN) vào sản xuất và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hiệu quả từ hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất
Làng nghề sản xuất ngói Cừa xã Nghĩa Hoàn - huyện Tân Kỳ là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Nghệ An. Trải qua quá trình phát triển, thương hiệu ngói Cừa đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nhiều khâu trong quy trình sản xuất ngói của làng nghề vẫn còn đang thực hiện thủ công nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, dẫn tới giá ngói bán ra thấp hơn một số loại ngói khác trên thị trường. Với mục tiêu tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, hướng tới khai thác hết tiềm năng đất đai, lợi thế vùng nguyên liệu, nâng cao đời sống người lao động, Ban quản lý Hợp tác xã (HTX) Nghĩa Hoàn đã tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ (TBKH-CN) vào sản xuất và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ứng dụng TB KH-CN để sản xuất hiệu quả
Làng nghề sản xuất ngói Cừa đã có từ lâu đời nhưng thực sự phát triển từ năm 2006 khi được cấp bằng công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo Quyết định số 956/QĐ-UBND.CN của UBND tỉnh Nghệ An. Đây là bước ngoặt để làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sau khi được công nhận làng nghề, lãnh đạo xã Nghĩa Hoàn đã thực hiện ngay việc thành lập HTX sản xuất - kinh doanh - dịch vụ làng nghề ngói Cừa. HTX là đơn vị tự kinh doanh, hạch toán độc lập với ngành nghề truyền thống là sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngói chất lượng cao.
Nằm tại trung tâm xã, trên trục đường 545 (Tân Kỳ - Nghĩa Đàn), lại có vùng nguyên liệu đất sét dọc bờ Sông Con với chất lượng tốt và nhiều ưu điểm nổi bật hơn chất đất ở những địa phương khác như đất không bị nhiễm mặn, độ keo dính trong đất cao, dễ tạo độ bóng đẹp và bền cho sản phẩm, làng nghề ngói Nghĩa Hoàn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Hàng năm, làng nghề đã sản xuất được hơn 50 triệu viên ngói, 30 triệu viên gạch, với tổng thu nhập xấp xỉ 60 tỷ đồng. Tuy nhiên trong những năm qua, mặc dù sản phẩm của làng nghề đã được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng do quy trình sản xuất ngói vẫn theo công nghệ cũ nên chất lượng viên ngói khi ra lò chưa cao. Bên cạnh đó, năng suất lao động tại làng nghề cũng đạt thấp khi phải vận chuyển thủ công bằng sức người... Những hạn chế của quy trình sản xuất ngói theo công nghệ cũ trên đã khiến giá thành của sản phẩm ngói Nghĩa Hoàn thấp hơn nhiều so với một số loại ngói khác trên thị trường như: ngói Giếng Đáy - Quảng Ninh, ngói Phú Phong - Bình Định, ngói Đồng Nai… Đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, Ban quản lý HTX Nghĩa Hoàn đã trăn trở tìm phương pháp cải tiến quy trình sản xuất cho làng nghề.
Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng TB KH&CN sản xuất ngói chất lượng cao tại làng nghề Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ” đã được triển khai thực hiện với mục tiêu giúp HTX tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, từ đó tổ chức sản xuất các loại sản phẩm ngói chất lượng cao với công suất 4 vạn viên/lò theo quy trình công nghệ - kỹ thuật tiên tiến từ khâu ủ đất nguyên liệu cho đến khâu phối trộn than, tạo hình, phơi và sấy nung sản phẩm. Đây cũng là bước đi phù hợp với chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về việc xóa bỏ lò đốt bằng thủ công, chuyển sang sản xuất gạch ngói đốt bằng lò Tuynel, góp phần sử dụng hiệu quả sức lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân làng nghề và người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Trong khuôn khổ dự án, HTX đã quy hoạch cụm công nghiệp Nghĩa Hoàn rộng 5ha, vùng nguyên liệu rộng 50ha, xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm các trang thiết bị phục vụ triển khai dự án. Trên cơ sở đó, hàng loạt các công nghệ mới đã được đưa vào ứng dụng trong quá trình sản xuất như: công nghệ ủ đất nguyên liệu; công nghệ phối trộn than vào đất nguyên liệu; công nghệ tạo hình sản phẩm ngói; công nghệ phơi sản phẩm và công nghệ sấy nung sản phẩm. HTX đã xây dựng lò nung cải tiến kiểu đứng gồm buồng đốt 8 cửa, vòm giữ nhiệt và ống khói, giảm thời gian đốt lò từ 20-22 giờ (bằng lò thủ công) xuống còn 13 giờ. So với sản xuất gạch bằng công nghệ cũ thì lò cải tiến cho tỷ lệ gạch loại A cao hơn từ 3-6%, không những giảm được nguyên liệu chất đốt mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói bụi. Việc sử dụng máy dập ngói thủy lực (60 tấn) thay cho máy dập thủ công đã giảm được sức lao động của công nhân mà hiệu quả lại cao hơn. Trước đây, chỉ ép được 500 viên/giờ nay đã đạt được 700 viên/giờ. Chất lượng từng viên ngói cũng tăng lên do máy ép thuỷ lực có độ nén cao hơn nên viên ngói chắc hơn, ít rạn, vỡ và không thấm nước. Riêng việc cải tiến chiếc xe chở ngói cũng đã giảm được rất nhiều công sức của người lao động. Nếu như trước đây, 1 chuyến xe chỉ chở được 3 viên ngói, nay cải tiến (thêm các giàn phía trên) đã có thể chuyên chở được 16 viên/ người/lần.
Hiện nay, HTX có 180 lò nung được trang bị máy móc liên hoàn chạy bằng động cơ điện, công suất đạt 4 vạn viên ngói/lò/lần nung. Mỗi năm sản xuất từ 40-50 triệu viên ngói, 30 triệu viên gạch. HTX đã đầu tư mua 1 máy xúc đất trị giá 2,1 tỷ đồng phục vụ khai thác, ngâm ủ đất nguyên liệu cho các lò trong HTX, bên cạnh đó các chủ lò cũng đã chủ động trang bị 7 máy xúc.
Việc áp dụng TB KH-CN vào sản xuất cũng như mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại đã mang lại hiệu quả lớn. Những nhược điểm của công nghệ cũ được khắc phục, đất nguyên liệu đã được lọc hết sạn, đạt độ mịn, độ tơi dẻo cao, tạo ra sản phẩm ngói bền, đẹp, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, giá bán tăng cao gấp 2-2,5 lần, đồng thời hạ giá thành sản xuất. Làng nghề ngói Cừa Nghĩa Hoàn đã thực sự phát triển lớn mạnh, đem lại nguồn thu 60 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp cho ngân sách địa phương gần 2 tỷ đồng.
Những kết quả đáng ghi nhận
Song song với việc ứng dụng TBKH-CN vào sản xuất, HTX Nghĩa Hoàn đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho cả làng nghề. Được sự giúp đỡ của Sở Khoa học & Công nghệ, sản phẩm ngói Cừa đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo Quyết định số 4068/QĐ-SHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 10/4/2007. Điều này chứng tỏ sự nhanh nhạy của ban quản lý HTX trong vấn đề bảo vệ uy tín của sản phẩm, đồng thời bảo vệ lợi ích của bà con xã viên. Trên cơ sở làng nghề truyền thống nay áp dụng những TBKH-CN vào sản xuất, ngói Cừa đã thực sự trở thành một thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà đã được người tiêu dùng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thanh Hoá tin dùng. Ngoài những ưu thế nổi bật về chất lượng thì giá thành cũng là một trong những lý do để người tiêu dùng lựa chọn. Sản phẩm ngói Cừa tốt, đẹp với giá chỉ 2.500 đồng/viên, thấp hơn nhiều so với giá thành của các loại ngói khác bán trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Chủ nhiệm HTX - cho biết sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều khách hàng đến tận lò để đặt hàng. Lợi nhuận bình quân đạt từ 250-300 triệu/năm/lò. Thu nhập của người lao động cũng tăng lên đạt từ 3-4 triệu đồng/tháng, một số lao động ở địa phương khác đến kết hợp làm nhiều công việc cho nhiều lò thu nhập có thể lên đến 8-9 triệu đồng/tháng. Làng nghề ngói Cừa hiện nay có 130 hộ sản xuất, 180 lò thường xuyên hoạt động đã giải quyết công ăn việc làm cho 1.000 lao động thường xuyên và 2.000 lao động thời vụ. Việc sản xuất ngói phát triển còn kéo theo các dịch vụ khác cùng phát triển như dịch vụ vận chuyển, hiện nay toàn HTX có 72 chiếc xe tải, đại lý phân phối sản phẩm và kinh doanh… tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong toàn xã. Kết quả thăm dò ý kiến của khách hàng cho thấy người tiêu dùng thực sự tin tưởng vào sản phẩm của làng nghề bởi chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Có được những thành công như thế còn cần phải kể đến công tác tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Những ngày đầu, các thành viên của HTX đã đi đến rất nhiều địa phương cùng với sản phẩm của mình giới thiệu với người tiêu dùng. Bên cạnh đó HTX luôn tuân thủ phương châm “Không nên làm nhiều sản phẩm để bán, mà nên làm thế nào để bán được nhiều sản phẩm”. Tất cả đã góp phần tạo nên thương hiệu ngói Cừa.
Có thể nói, với ưu thế tuyệt đối về chất đất nguyên liệu, áp dụng TBKH-CN vào sản xuất, HTX làng nghề ngói Cừa - Nghĩa Hoàn đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế và khẳng định được thương hiệu của mình. Nghề sản xuất ngói đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính, đưa nền kinh tế địa phương phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hàng năm thu nhập từ nghề làm ngói đã chiếm tới 60% thu nhập bình quân toàn xã. Bộ mặt nông thôn Nghĩa Hoàn đã đổi thay từng ngày với những con đường, những công trình đẹp đẽ, khang trang mọc lên san sát. Và điều đặc biệt nhất là trên tất cả những ngôi nhà ấy, người dân đều sử dụng ngói Cừa - một sản phẩm truyền thống của làng nghề quê hương./.
Tuấn Anh